Quan ngại doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu về đăng ký doanh nghiệp (DN) vừa được cơ quan quản lý nhà nước công bố, trong tháng 5 cũng như 5 tháng đầu năm 2021, số lượng DN rút lui khỏi thị trường đều tăng trên 20%. Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần có hướng dẫn cụ thể, thông thoáng để các DN tiếp cận chính sách hỗ trợ, vượt qua khó khăn.
Trong tháng 5/2021, cả nước có 11.603 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Trong tháng 5/2021, cả nước có 11.603 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Theo Báo cáo tình hình đăng ký DN tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, trong tháng 5, cả nước có 11.603 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người, giảm 22% về số DN, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 23,7% về số lao động so với tháng 4/2021. So với cùng kỳ năm trước, số DN tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%; số lao động đăng ký giảm 21,1%.. Tính chung 5 tháng, cả nước có 55.769 DN thành lập mới, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. “Đây là số DN thành lập mới cao nhất trong 5 tháng đầu năm trong giai đoạn 2016 - 2021”, Báo cáo đánh giá.

Tuy vậy, số lượng DN rút lui khỏi thị trường cũng ở mức cao. Riêng trong tháng 5/2021, cả nước có 8.913 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 3.400 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020; 4.234 DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 37,3%; có 1.279 DN giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 33%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, có 59.820 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, có 31.818 DN tạm ngừng kinh doanh. Phần lớn DN phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại là những DN mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Đây là con số đáng quan ngại, cho thấy dịch Covid-19 đang tác động thực sự đến hoạt động của DN. Sức chống chịu của DN cũng suy yếu hơn”.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Dịch bệnh xuất hiện hơn một năm rưỡi qua đã khiến các DN, nhất là DN có quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải… bị tác động mạnh mẽ, buộc phải rút lui khỏi thị trường”.

Trước tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Hiếu cho rằng, bên cạnh việc thực hiện giải pháp ưu tiên kiểm soát đại dịch để hỗ trợ DN, lúc này nên tạm dừng ban hành quy định tạo gánh nặng chi phí cho DN.

Theo đại diện CIEM, đợt dịch lần này có một số vấn đề phát sinh như: xuất hiện ổ dịch trong DN, tại các khu công nghiệp; DN phát sinh thêm chi phí phòng chống dịch (chi phí xét nghiệm); khó khăn về thị trường… Ông Hiếu đề xuất, trong ngắn hạn, nên thực hiện giải pháp hỗ trợ về chi phí để giảm bớt khó khăn cho DN, đặc biệt là hạn chế tuyệt đối việc ban hành các quy định làm gia tăng chi phí cho DN.

Về lâu dài, Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế như: tháo gỡ khó khăn vướng mắc để nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư (cả đầu tư công và đầu tư tư nhân); xây dựng khung khổ thể chế cho mô hình kinh doanh mới, bãi bỏ quy định không còn hợp lý về phí, lệ phí hoặc gây chi phí kinh doanh không cần thiết cho DN...

Đề xuất giải pháp hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh, phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với DN. Ông Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung vào việc hỗ trợ DN đang gặp nhiều khó khăn theo phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no” thì sẽ rất ý nghĩa. Hoạt động hỗ trợ DN có thể theo hướng: tập trung hỗ trợ người lao động trong DN để họ yên tâm làm việc, giúp DN duy trì sản xuất, kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ DN thông qua các chính sách giảm, giãn, hoãn thuế để DN tập trung vào sản xuất; ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong DN… Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Ngoài ra, theo ông Nam, để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, các chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết, song rất cần có thêm những hướng dẫn cụ thể, thông thoáng để DN được tiếp cận hỗ trợ dễ dàng hơn.

Tin cùng chuyên mục