Quảng Nam: Nhiều dự án “treo” nằm trên đất vàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án bất động sản tại Quảng Nam dù đã được gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Thậm chí, có dự án dừng nhiều năm do vướng mặt bằng, chưa biết bao giờ có thể tiếp tục triển khai.
Dự án Khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông sau 8 năm thi công chỉ là những khung nhà xây dở. Ảnh: Hà Minh
Dự án Khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông sau 8 năm thi công chỉ là những khung nhà xây dở. Ảnh: Hà Minh

Từ dự án… “bất động”

Tại vị trí giáp ranh giữa TP. Đà Nẵng và TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), Khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông (đường Lạc Long Quân, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có diện tích hơn 1 ha đã “ngủ yên bên chân sóng" từ nhiều năm nay.

Được che chắn bởi tường bê tông và cánh cửa sắt khá vững chắc, bên trong Dự án hoàn toàn hoang vắng, không người trông coi, không động thái thi công, chỉ có hai block nhà xây dở phần khung. Ở một vị trí khác, những trụ bê tông dở dang lộ phần sắt thép hoen gỉ chĩa thẳng lên trời. Trên mặt bằng Dự án, rau muống biển mọc lan chiếm phần diện tích lớn...

Khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông được UBND tỉnh Quảng Nam cấp chủ trương đầu tư từ năm 2014, nhưng chưa xây dựng hoàn thiện hạng mục nào. Liên tiếp các năm 2020, 2021, chủ đầu tư Dự án không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nên UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định cho thanh tra.

Tại tỉnh Quảng Nam, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2014 đến hết năm 2021 đã phát hiện 62 đơn vị, tổ chức (theo thống kê chưa đầy đủ) có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, đã thu hồi 13.619.684 m2 đất. Một số đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê đất không đúng đối tượng, chuyển mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn và gia hạn nhiều lần. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu rà soát các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ tính đến thời điểm 30/4/2022 và phân loại, đề xuất hướng xử lý các dự án (nếu có) trước 30/7/2022.

Đại diện Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, việc thanh tra được hoàn thành từ tháng 1/2022. UBND tỉnh Quảng Nam đã có kết luận đối với Công ty CP Kinh doanh Quản lý bất động sản Trung Kỳ Viêm Đông (chủ đầu tư) trong việc quản lý, sử dụng đất thực hiện Dự án.

Qua đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ đầu tư nộp đầy đủ tiền thuê đất năm 2020 và 2021 đối với diện tích 10.871 m2 được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm với số tiền gần 1 tỷ đồng; tập trung phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với phần diện tích còn lại để đầu tư xây dựng hoàn thành Dự án đúng tiến độ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu, tại Dự án hiện chưa thể GPMB do còn vướng 14 hộ dân. Việc vướng mặt bằng khiến Khu du lịch Trung Kỳ - Viêm Đông chưa thể tiếp tục triển khai.

Cũng theo ông Hiếu, Dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép gia hạn sử dụng đất từ ngày 31/3/2017 đến hết ngày 31/3/2019, và hiện đã quá hạn nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Đến dự án… “siêu” chậm

Dự án Khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò (trước đây là Dự án Khu vui chơi văn hóa, giải trí nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái Thiên Đường Cổ Cò) tại thị xã Điện Bàn do Công ty CP Thiên Đường Cổ Cò làm chủ đầu tư là một trong những dự án có tiến độ chậm nhất khu vực Bắc Quảng Nam.

Triển khai từ năm 2014, qua 8 năm, Dự án đã nhiều lần được điều chỉnh chủ trương đầu tư về quy mô và tên Dự án. Ban đầu, Dự án được lập quy hoạch khoảng 32,9 ha, sau nhiều lần điều chỉnh chỉ còn hơn 3,65 ha, tổng vốn đầu tư từ 2.438 tỷ đồng giảm xuống còn 798,6 tỷ đồng (vốn góp của nhà đầu tư là 160 tỷ đồng, vốn huy động là 638,6 tỷ đồng).

Trong lần điều chỉnh gần nhất, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đến tháng 6/2022, Chủ đầu tư phải hoàn thành GPMB và các thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy. Từ tháng 7 đến tháng 12/2022 triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị, hoàn thành toàn bộ Dự án đưa vào hoạt động.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, đến nay, mặt bằng Dự án vẫn chưa giải phóng xong, nên không chắc chắn đảm bảo tiến độ. Về nguyên nhân giảm “bất thường” quy mô đầu tư Dự án, theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, là do kinh phí GPMB quá lớn, buộc nhà đầu tư phải “trả” bớt diện tích và thu hẹp quy mô đầu tư.

Tin cùng chuyên mục