![]() |
Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An đã được triển khai từ tháng 3/2025. Ảnh: Hà Minh |
Theo kế hoạch, tháng 9/2025, Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam với phạm vi thực hiện trải rộng trên địa bàn 4 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP. Tam Kỳ sẽ được khởi công xây dựng. Để đáp ứng tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) đang khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xử lý các yêu cầu theo quy định.
Dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 2.722 tỷ đồng (tương đương 113,39 triệu USD), sử dụng vốn vay WB (khoảng 76,57 triệu USD), thời gian thực hiện trong 6 năm kể từ khi hiệp định vay có hiệu lực (dự kiến 2026 - 2031). Các gói thầu xây lắp chính thuộc Dự án bao gồm: Nạo vét sông Trường Giang với tổng chiều dài 60 km; Xây dựng kè tại các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ; Xây dựng tổ hợp công trình thoát lũ TP. Tam Kỳ; Xây dựng các cầu qua sông Trường Giang (6 cây cầu mới, hoàn trả 1 cầu dân sinh). Chủ đầu tư cho hay, Dự án đã được WB phê duyệt ngày 5/5/2025.
Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đây là công trình quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng thích ứng và nâng cao năng lực lập kế hoạch, quản lý phát triển thích ứng với rủi ro thiên tai. Dự án có sử dụng nguồn vốn vay ODA nên phải xác định không được để chậm tiến độ. UBND Tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp để giao nhiệm vụ rõ ràng, thời gian cụ thể và lộ trình triển khai gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể”.
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam chia sẻ, Chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để có thể triển khai sớm công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp sau khi hiệp định vay được ký kết; tránh trường hợp phát sinh phí cam kết, các phí tài chính khác của khoản vay; tránh kéo dài gây tăng chi phí do trượt giá. Chủ đầu tư đã đề nghị Tỉnh xem xét phê duyệt quy chế, nhiệm vụ thi tuyển kiến trúc cầu Tam Thanh; điều chỉnh hướng tuyến cầu Tam Thanh; tháo dỡ, thu hồi các cầu cũ trên tuyến sông; cấp phép, bổ sung mỏ vật liệu xây dựng để phục vụ thi công công trình; xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, phê duyệt trước tháng 6/2025…, phấn đấu khởi công xây dựng Dự án trước tháng 9/2025.
Trong chuyến kiểm tra thực tế các khu vực chuẩn bị triển khai Dự án mới đây, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các bên liên quan chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là diện tích nuôi trồng thủy sản và tái định cư. “Dự án sử dụng nguồn vốn vay, vì vậy phải hết sức chú trọng tiến độ thực hiện, đặc biệt là phương án, lộ trình giải phóng mặt bằng; hồ sơ thủ tục đầu tư để khởi công đúng kế hoạch đặt ra”, ông Triết lưu ý.
Tại Quảng Nam, nguồn vốn ODA đã giúp địa phương thực hiện hiệu quả một số dự án lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu. Trong đó, Dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai Núi Thành có tổng mức đầu tư 955 tỷ đồng, sử dụng 25 triệu EUR vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), phần còn lại là vốn đối ứng ngân sách Tỉnh (2,5 triệu EUR). Dự án có 3 gói thầu: Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Khu đô thị Tam Hiệp, bao gồm hạng mục nhà máy xử lý nước thải công suất 5.000 m3/ngày đêm và hệ thống tuyến ống thu gom nước thải dài 27,45 km; Kè sông Bến Ván và kè Tam Hải; Hệ thống thoát nước chính Khu đô thị Tam Anh. Đến nay, hầu hết các gói thầu đã được hoàn thành đưa vào sử dụng đúng mục đích.
Tháng 3/2025, Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An đã được triển khai nhằm góp phần bảo vệ và tái tạo bãi biển Cửa Đại, đồng thời đáp ứng nhu cầu cải thiện điều kiện sinh sống và phát triển kinh tế của người dân trong khu vực. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU) và ngân sách tỉnh Quảng Nam. Theo đại diện Chủ đầu tư (Ban QLDA ĐTXD tỉnh Quảng Nam), Dự án sẽ giải quyết hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, góp phần phục hồi cơ bản các bãi tắm, bảo vệ tài sản của cư dân, ổn định an sinh xã hội, phát triển du lịch và tăng cường khả năng chống chịu của người dân trước tác động của biến đổi khí hậu.