Quảng Trị: Giá đất sốt ảo tăng "thất điên bát đảo”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không chỉ đất ở khu vực ven biển, khu vực quy hoạch sân bay, khu đô thị mà ngay cả đất ở vùng nông thôn lẫn vùng núi tại Quảng Trị đều sốt ảo đến mức báo động trong thời gian qua.
Giá đất tăng vọt tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi dự kiến xây dựng sân bay với nhu cầu sử dụng đất hơn 265 ha. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Giá đất tăng vọt tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi dự kiến xây dựng sân bay với nhu cầu sử dụng đất hơn 265 ha. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Cơn sốt ảo ngày càng lan rộng

Tâm điểm của sốt đất bắt đầu từ TP. Đông Hà, kéo dài từ hơn một năm nay và bùng mạnh từ tháng 11/2021 khi một tập đoàn bất động sản lớn đấu giá trúng lô đất Dự án Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ Nam Đông Hà ở phường Đông Lương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Ở khúc ruột miền Trung này, việc “ông lớn” bất động sản tìm đến để đầu tư tựa như “nắng hạn gặp mưa”, nên thông tin ấy ngay lập tức được giới “cò đất” vồ lấy để tung hỏa mù nhằm thổi giá.

Trước Tết Nguyên đán mấy ngày, theo khảo sát của phóng viên, giá đất ở TP. Đông Hà, nhất là khu vực xung quanh dự án nói trên, có nơi lên đến 70 - 80 triệu đồng/m2. Đến nay, giá cả vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, dù tháng Giêng hàng năm do dư âm của Tết đang còn nên tình hình giao dịch bất động sản chưa nhiều.

Trước đó, ngày 20/12/2021, khi Thủ tướng có quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân bay Quảng Trị theo phương thức đối tác công - tư (PPP), giá đất tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi dự kiến xây dựng sân bay với nhu cầu sử dụng đất hơn 265 ha - tăng vọt. Cơn sốt đất thực ra đã nhen nhóm từ trước đó khá lâu nhưng nay đã bùng lên khi được cò đất “duồng gió bẻ măng”.

Tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, trong đó có 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, thì dường như trong vòng hai năm trở lại đây ở các địa phương nói trên đều có sự biến động mạnh về giá cả bất động sản.

Thậm chí, trong 125 xã, phường và thị trấn hiện hữu ở tỉnh Quảng Trị, nhiều vùng nông thôn bao năm nay bình yên với cuộc sống dân dã nay bùng lên với cơn sốt săn lùng đất vườn của những khách hàng từ xa đến, mà ngay cả người dân bản địa họ cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Tại xã Hải Hưng, một mảnh vườn không có nhà, chỉ để trồng tràm, giữa năm 2021 được khách chào mua với giá 1,2 tỷ đồng nhưng chủ đất không bán, nay có khách khác đến trả 1,8 tỷ đồng vẫn chưa thể mua được.

Cò tự đi tìm đất rồi tự ra giá để mua, với giá lần sau cao hơn lần trước, khiến những người sở hữu đất không biết bán hay không, nên giá cả cứ tăng theo lời đồn thổi.

"Tam sao thất bổn" và "hội chứng đám đông"

Theo lý giải của những người thạo tin ở Quảng Trị, giá đất tăng một cách "thất điên bát đảo” như thời gian qua đều là tăng ảo, do giới đầu nậu và môi giới dùng mánh khóe để tạo sóng cho thị trường nhằm trục lợi.

Đa phần những người này đều mua đất để sẵn từ lâu, mỗi khi có thông tin liên quan đến chủ trương quy hoạch, mở rộng hạ tầng, thu hút đầu tư gần những nơi họ có đất, lập tức họ biến những thông tin đó thành những vũ khí lợi hại để tạo ra cơn sốt.

Phương thức tiếp thị truyền miệng này tỏ ra lợi hại và luôn có sức hút kỳ lạ đối với hội "chứng đám đông", nhất là những người đang muốn làm giàu từ đất khi thấy người khác kiếm tiền từ lĩnh vực này quá dễ dàng. Việc "tam sao thất bổn" càng làm cho câu chuyện sốt đất ly kỳ và cuốn hút, khiến nhiều người bất chấp rủi ro để lao vào.

Khi thực hiện xong những phi vụ béo bở ở các trung tâm huyện lỵ, thị xã, thành phố, mặc cho các khách hàng F2, F3 loay hoay với những sản phẩm bất động sản có giá cao ngút, các đầu nậu lại tung quân về thực hiện chiến dịch thu mua đất vùng nông thôn.

Và khi họ thực hiện xong những phi vụ tương tự ở vùng nông thôn rồi rút êm, thì những người mua sau rất dễ bị mắc bẫy. Chiêu thức này không lạ đối với những thị trường phía Nam nhưng đối với Quảng Trị, nhất là ở vùng nông thôn, thì vẫn còn mới vì hiện tượng sốt đất ở những miền quê thuộc tỉnh này mới rộ lên hai năm nay.

Việc "tam sao thất bổn" càng làm cho câu chuyện sốt đất càng ly kỳ và cuốn hút khiến nhiều người bất chấp rủi ro để lao vào. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Việc "tam sao thất bổn" càng làm cho câu chuyện sốt đất càng ly kỳ và cuốn hút khiến nhiều người bất chấp rủi ro để lao vào. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Ngay chính ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cũng thừa nhận rằng, việc “cò đất” hoạt động lộn xộn đã và sẽ gây ảnh hưởng xấu các vùng nông thôn, ảnh hưởng đến quy hoạch theo chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều khó khăn, bất lợi sau này.

Vì vậy, tới đây, Sở này sẽ kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý hành chính nhà nước có liên quan, nhất là đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc phân lô, tách thửa các loại đất ở vùng nông thôn, không tạo kẽ hở các chủ đầu tư bất động sản và “cò đất” lợi dụng.

Từ hai năm nay, chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng đã đôi lần cảnh báo về tình trạng sốt đất ảo nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Ma lực của đồng liền luôn rất lớn và đầy cám dỗ khiến cho cơn say bất động sản của những khách hàng F2, F3 vẫn khó tỉnh. Tiền không tự sinh ra và mất đi mà chỉ chảy từ túi người này qua túi người khác là vì vậy.

Theo Luật sư Trần Khánh Ly, để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp, UBND tỉnh cần công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương.

Đặc biệt, về phía người dân và các nhà đầu tư, để tránh rủi ro, trước khi quyết định xuống tiền cần tìm hiểu thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước về vị trí đất đai mình cần mua. Bởi người mua dễ bị nhầm chứ người bán ít khi nhầm.

Tin cùng chuyên mục