Quốc hội thảo luận ở Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Sáng 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 4.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 4.

Phát biểu tại Tổ 2 (đoàn ĐBQH TP.HCM), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là vấn đề khó, với xuất phát điểm ban đầu là Luật Quy hoạch, với quyết tâm chung thì Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua vào năm 2019. Trên cơ sở đó mới có thể làm quy hoạch tổng thể quốc gia. Chủ tịch nước đánh giá, Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của Luật Quy hoạch.

Chủ tịch nước lưu ý, với thời gian quy hoạch rất dài, tầm nhìn gần 30 năm trong một giai đoạn thế giới đầy biến động, công nghệ đổi mới sáng tạo phát triển như vũ bão thì tính dự báo trong quy hoạch là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quy hoạch.

"Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng thì chúng ta sẽ lạc hậu, đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia", Chủ tịch nước phân tích.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để "đi tắt đón đầu".

Theo Chủ tịch nước, đây là thời kỳ biến động sâu sắc về biến đổi khí hậu, nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Cho nên khi đặt vấn đề về quy hoạch tại những trục chính, những đô thị, khu vực đông dân cư thì phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, phải tìm kiếm thị trường mới để mở ra không gian phát triển.

Về thể chế, phải phù hợp để hội nhập quốc tế, thể chế mà lạc hậu chậm trễ thì sẽ kìm nén phát triển. Thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn này phải phù hợp theo xu hướng của thời đại và sự phát triển của đất nước.

Góp ý cụ thể hơn cho Quy hoạch tổng thể Quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì; ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế. Các thành phần kinh tế "độc lập, tự chủ, tự cường" thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào? Những vấn đề này chưa được đề cập trong quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.

Quan tâm về việc bố trí nguồn lực cho thực hiện công tác quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhưng khi tính toán nguồn lực để thực hiện quy hoạch cần đặt trong hoàn cảnh của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực hiện nay.

Xây dựng quy hoạch phải khả thi, cần có cơ chế để sử dụng, huy động nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch. "Hiện nguồn lực đầu tư công có hạn, chúng ta không thể đầu tư dàn trải như trước đây, cần có trọng tâm trọng điểm. Quy hoạch tổng thể Quốc gia cần xác định các cơ chế để có thể huy động nguồn lực trong xã hội, đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công-tư (PPP)", ông Ngân nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục