Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

(BĐT) - Với 464/469 (chiếm 95,28%) đại biểu tán thành, sáng nay (12/6), Quốc hội chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019.
Với 464/469 đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Ảnh: Việt Anh
Với 464/469 đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Ảnh: Việt Anh

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 10 chương, 118 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

3 đối tượng chính chịu sự áp dụng chính của Luật. Thứ nhất là, tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Hai là các hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam. Ba là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là mở rộng phạm vi rộng hơn, bao quát nhiều dạng thức khác có thể phát sinh trong hoạt động đấu thầu liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung như: Thỏa thuận đưa mức giá cao, hoặc quá cao, hoặc kèm theo điều kiện mà bên mời thầu không thể chấp nhận; thỏa thuận rút hồ sơ thầu được nộp trước đó; thỏa thuận quay vòng thắng thầu; thỏa thuận phân chia thầu… Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định tại Khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu chỉ đề cập đến 03 hình thức cụ thể của hành vi thông thầu  (Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;  Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham gia dự thầu để một bên thắng thầu; Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

Trước đó, ngày 24/5/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tin cùng chuyên mục