Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với 459 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 92,17%), Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp sáng 14/11. Luật gồm 8 Chương với 118 Điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì có thể làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, không phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Trên thực tế, tại các cơ quan này đã thành lập các đơn vị có nhiệm vụ tham mưu và làm công tác thanh tra, với đội ngũ công chức vừa thực hiện nhiệm vụ thanh tra, vừa đồng thời đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn khác. Qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Do đó, trong Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quá trình xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật, các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí hướng đổi mới này. Việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế”.

Đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Đa số ý kiến tán thành quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định “Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ” để bảo đảm chặt chẽ. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục cụ thể.

Còn về Thanh tra sở, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổng kết thi hành Luật Thanh tra cho thấy, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức Thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế. Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí được từ 1 đến 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả.

Trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ

Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Thanh tra sở như tại Điều 26 của dự thảo Luật.

Theo đó, giao quyền chủ động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ

Về việc xây dựng, ban hành kết luận thanh tra và giao quyền quyết định kỷ luật cho cơ quan thanh tra, một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định trong dự thảo Luật về ban hành kết luận thanh tra để quy định chặt chẽ, bảo đảm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời hạn các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra; xác định rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra. Đồng thời, bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)

Trong phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là Dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận từ Kỳ họp thứ 3. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Dự án Luật được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, xác đáng, kỹ lưỡng; tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan. Luật Thanh tra (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.