Hiện tại dọc tuyến Quốc lộ 13 có trên dưới 30 dự án căn hộ đã và đang xây dựng. Ảnh: Internet |
Quốc lộ 13 có tổng chiều dài 145 km, bắt đầu từ ngã 5 Đài Liệt sĩ (TP.HCM) đi qua tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Theo số liệu khảo sát của Công ty CP Công nghệ Rever, hiện tại, dọc tuyến Quốc lộ 13 (quốc lộ này khi vào vùng đô thị của tỉnh Bình Dương còn có tên gọi khác là Đại lộ Bình Dương) có trên dưới 30 dự án chung cư.
Trong đó, có khoảng trên 25 dự án nói trên nằm tại TP. Thuận An (Bình Dương); khoảng 5 dự án còn lại nằm ở TP.HCM gồm: The Morning Star, Vạn Phúc City, Urban Green, LDG Riverside và Sunview Town.
Vẫn theo Công ty CP Công nghệ Rever, hiện các dự án chung cư dọc tuyến quốc lộ này có mức giá bán dao động từ 22 triệu/m2 cho đến 60 triệu/m2. Mức giá cao nhất được ghi nhận đến từ các dự án: Urban Green, dự kiến từ 50 - 55 triệu/m2; Vạn Phúc City, dự kiến không dưới 60 triệu/m2; Astral City, khoảng từ 40 triệu/m2...
Bên cạnh các dự án nói trên, phần lớn các chung cư trên tuyến Quốc lộ 13 đều có mức giá bán trong ngưỡng 22 - 38 triệu/m2, kể cả Dự án The Morning Star (35 triệu/m2) nằm ở quận Bình Thạnh.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, với địa hình cao ráo, việc di chuyển vào trung tâm TP.HCM và sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện, hạ tầng giao thông của tuyến Quốc lộ 13, nhất là đoạn qua tỉnh Bình Dương từng bước được nâng cấp và mở rộng, giá thành còn “mềm”, nên trong khoảng 3 năm trở lại đây, các dự án bất động sản ở khu vực này phát triển rất sôi động.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, các dự án bất động sản ở TP.HCM tung ra thị trường rất hạn chế do nguồn cung khan hiếm, nguyên nhân là do đa số đang bị “nghẽn” ở khâu thủ tục pháp lý, dẫn đến việc khách hàng chuyển hướng mua để ở và đầu tư ở khu vực cửa ngõ huyết mạch này cũng là điều dễ hiểu.
Mặc dù Quốc lộ 13 đi qua quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP.HCM), TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh, đến cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), nhưng dự án căn hộ chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các khu vực ở Bình Dương tiếp giáp với TP.HCM.
Điều này là đương nhiên, vì thị trường bất động sản ở thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng của Bình Dương, cũng như ở khu vực tỉnh Bình Phước không phù hợp để phát triển loại bình bất động sản căn hộ vào lúc này, kể cả trong tương lai gần.
Một chủ đầu tư đang phát triển dự án ở tỉnh Bình Dương cho rằng, so với các cửa ngõ giáp ranh khác với TP.HCM, phân khúc căn hộ tại khu vực phía Đông, mà cụ thể ở đây là TP. Thuận An, Thủ Dầu Một (Bình Dương) đang trỗi dậy mạnh mẽ so với các nơi khác. Bởi những khu vực này có lượng lớn công nhân và chuyên gia nước ngoài - những người làm việc ở TP.HCM nhưng muốn an cư ở đó nhiều.
Điểm nhấn của bất động sản trên tuyến Quốc lộ 13 chính là Khu đô thị Vạn Phúc với quy mô 198 ha, được biết đến như một thành phố thu nhỏ phía Đông TP.HCM. Đây là 1 trong 3 bán đảo bên sông Sài Gòn, với tổng mức đầu tư 3 tỷ USD. Nhờ vậy, đoạn quốc lộ này dù chạy qua TP.HCM chỉ 10 km nhưng sự xuất hiện của "đại đô thị" Vạn Phúc đã mang lại những bước dấu ấn mới và những đột phá mới cho cả cửa ngõ phía Đông và cả tuyến Quốc lộ 13.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay, Dự án nâng cấp - mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu (TP. Thủ Đức) dài 5,5 km thuộc nhóm các dự án trọng điểm kết nối liên vùng đang được UBND TP.HCM ưu tiên nguồn lực để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Công trình này dự kiến thực hiện trước năm 2023, tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ đồng; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...
Đánh giá về triển vọng bất động sản dọc tuyến Quốc lộ 13, một chuyên gia bất động sản cho rằng, khi dự án trên hoàn thành, thị trường bất động sản khu vực này sẽ còn biến động mạnh hơn, và các dự án căn hộ chung cư sẽ không dừng lại ở con số nói trên.