Lưu chuyển tiền thuần từ mảng kinh doanh chính của Công ty CP Quốc tế Phương Anh 3 năm liên tục âm. Ảnh: Phương Anh |
Là doanh nghiệp sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí, buôn bán các loại sắt thép, thép không gỉ…, nhưng Phương Anh đang đẩy mạnh đầu tư bất động sản với dự án hơn 1.000 tỷ đồng. Với lượng tiền mặt khan hiếm, có lẽ việc đưa cổ phiếu niêm yết trên HOSE là một chiến lược của Công ty để có tiền đầu tư.
Khan hiếm tiền mặt
Công ty CP Quốc tế Phương Anh được thành lập trên cơ sở chuyển đổi hình thức sở hữu từ Công ty TNHH Inox Thành Nam sau khi nhận sáp nhập Công ty TNHH Điện tử Giảng Võ năm 2011. Sau 3 lần tăng vốn, Công ty hiện có vốn điều lệ là 255 tỷ đồng.
Cổ đông sáng lập của Công ty gồm: Công ty CP Tập đoàn Thành Nam (27%), ông Nguyễn Hữu Cường (53%), bà Đỗ Thị Thanh Hương (20%). Trong đó, ông Cường và bà Hương hiện là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Tập đoàn Thành Nam (mã chứng khoán: TNI). Đến ngày 27/11/2017, cả 3 cổ đông này đều thực hiện thoái sạch vốn tại Phương Anh.
Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Công ty là sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí, buôn bán các loại sắt thép, thép không gỉ, kim loại màu, thép đặc chủng. Ngoài ra, Công ty còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản.
Mặc dù có doanh thu và lợi nhuận nhưng Công ty luôn ở trạng thái cạn kiệt tiền. Số dư tiền tệ cuối năm 2017 chỉ còn khoảng 500 triệu đồng, con số này năm 2015 và 2016 cũng chưa đến 2 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động chính của Công ty không tạo ra dòng tiền thuần dương. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Phương Anh 3 năm gần nhất 2015 - 2017 liên tục âm, năm 2015 âm 101,8 tỷ đồng, năm 2016 âm 41,7 tỷ đồng và năm 2017 âm 28,8 tỷ đồng. Điều này phần nào phản ánh tình trạng thiếu hụt tiền của Phương Anh.
Cùng với đó, nợ vay ngắn hạn của Phương Anh cũng gia tăng từ 51 tỷ đồng đầu năm 2017 lên 124,7 tỷ đồng cuối năm 2017. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Phương Anh cho biết thêm, trong năm 2017, Phương Anh ghi nhận được giải ngân 314 tỷ đồng tiền vay, nhưng 234 tỷ đồng trong số đó được thực hiện trả nợ gốc các khoản vay cũ.
Vậy phần lớn tiền của Công ty đã chảy đi đâu?
Trong năm 2017, Phương Anh đã đẩy mạnh tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản ủy thác đầu tư bất động sản cho cá nhân, mặc dù Công ty được phép kinh doanh bất động sản.
Theo Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2017, vào đầu năm, Công ty đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thời hạn 12 tháng với 7 cá nhân để đầu tư vào các khu đất với tổng giá trị lên tới 105 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ được hưởng ¼ lợi nhuận kinh doanh mà các cá nhân đạt được trong kỳ, nhưng trong mọi trường hợp không thấp hơn số tiền tính bằng tiền gốc mà Công ty đã giao nhận với lãi suất tối thiểu bằng lãi suất cho vay của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Đến thời điểm cuối năm 2017, Công ty đã thu hồi lại nhiều khoản hợp tác đầu tư này và ghi nhận giá trị còn khoảng 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động này năm 2017 chỉ đạt 4,8 tỷ đồng, cao hơn 11% so với năm 2016.
Dự án bất động sản tham vọng
Trong một báo cáo được Công ty công bố vào tháng 8/2018, Phương Anh cho biết đang lên kế hoạch cho nhiều dự án lớn. Có thể kể đến Dự án Nhà máy Gia công Inox Thành Nam có quyết định chủ trương đầu tư số 100/QĐ-UBND ngày 8/6/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên với tổng vốn đầu tư là 81,3 tỷ đồng. Kế đến là Dự án Nhà máy Cán thép tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với tổng vốn đầu tư là 100 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2018.
Khoản đầu tư tham vọng nhất của Phương Anh là Dự án Căn hộ cao cấp - Phương Anh Luxury Residence. Địa điểm thực hiện tại khu đất mặt biển Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng - con đường đắt đỏ bậc nhất của Đà Nẵng. Giới thiệu thêm về Dự án, Phương Anh cho biết, tổng mức vốn đầu tư là 1.042 tỷ đồng. Công ty dự kiến số vốn bỏ ra chiếm 20% là 204,1 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng và huy động từ nguồn khác. Thời gian hoàn vốn của Dự án là 24 tháng, với doanh thu bình quân hàng năm là 218,1 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân là 27,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện không có nhiều thông tin về dự án này. Báo cáo tài chính năm 2017 của Phương Anh có ghi nhận 3 khu đất tại Đà Nẵng (xem bảng).
Chưa rõ, Phương Anh sẽ thu xếp nguồn lực ra sao để triển khai dự án bất động sản trên trong điều kiện số dư tiền cạn kiệt, nhưng có lẽ đưa cổ phiếu lên HOSE là một chiến lược thu hút vốn của Công ty.