Trong quá khứ, cổ phiếu DLG và một số cổ phiếu khác đã có sóng khi quỹ đầu tư ngoại phát đi thông điệp rót vốn |
Doanh nghiệp (DN) được “cam kết” góp vốn sau một thời gian cũng đã lộ ra những bất cập trong hoạt động kinh doanh khiến cho giá cổ phiếu theo đó mà rớt thảm. Thị trường đã chứng kiến những quỹ ngoại “ngáo ộp”, chỉ hứa mà không thực hiện.
Những lời hứa năm đó
Khi nhắc đến quỹ ngoại “họ hứa”, không thể không nêu tên Global Emerging Markets (GEM). Quỹ này được giới thiệu là một tập đoàn đầu tư của Mỹ, có tổng tài sản danh mục lên tới 3,4 tỷ USD với nhiều thành viên trên khắp thế giới chuyên đầu tư vào các công ty niêm yết và chưa niêm yết vừa và nhỏ tại những thị trường mới nổi. GEM cho biết, từ khi thành lập vào năm 1991, Quỹ đã thực hiện 305 thương vụ đầu tư tại 65 quốc gia.
Chỉ trong năm 2014, có đến 4 DN tại Việt Nam công bố GEM sẽ rót vào các khoản vốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Đầu tiên là CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) với số vốn đầu tư cam kết 800 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Hoàng Huy (mã chứng khoán HHS) với số vốn 10 triệu USD, tương đương 200 tỷ đồng. Sau đó, GEM tiếp tục cam kết đầu tư chiến lược vào CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG) bằng cách chi ra 400 tỷ đồng để mua 20% vốn cổ phần của DLG trong vòng 6 tháng.
Nhưng lớn nhất phải kể đến thương vụ tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG). GEM cam kết sẽ đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng (80 triệu USD) vào DN của “bầu” Đức và dự kiến toàn bộ giao dịch sẽ được hoàn tất trong ba tháng (tức tháng 01/2015). Khi đó, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL đã cho biết, ban đầu GEM đặt vấn đề để HAGL phát hành thêm khoảng 10% vốn cổ phiếu cho riêng GEM, tuy nhiên HAGL đã không đồng ý và chỉ thống nhất cho mua qua sàn.
Thế nhưng đã gần 3 năm trôi qua, nhà đầu tư không thấy bóng dáng của GEM đâu nữa. Số lượng cổ phiếu mà GEM đã mua vào chỉ bằng số lẻ của cam kết.
Ngoài GEM, cũng trong năm 2014, dư luận choáng váng bởi một công ty nước ngoài có tên là Dragon Best International (trụ sở tại Hong Kong) cam kết đầu tư tới 100 tỷ USD vào 3 dự án tại Việt Nam thông qua hợp đồng với CTCP Du lịch Hồ Tràm.
Các dự án đó là Khu trung tâm phức hợp Thương mại, Tài chính, Khách sạn, Khu nhà ở, Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng với vốn đầu tư 32 tỷ USD); Dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) với vốn đầu tư 18 tỷ USD; Dự án Khu kinh tế Bờ Y với vốn đầu tư 50 tỷ USD. Lời hứa này cũng đã mất hút.
Những DN được “cam kết” rót vốn giờ ra sao?
Cho đến nay, khi cổ đông chiến lược đã biến mất, các DN cũng đã được thị trường “định giá lại”, thể hiện qua giá cổ phiếu. FLC chỉ còn 5.400 đồng. Tương tự, kết quả kinh doanh ghi nhận tăng trưởng nhưng DLG chỉ có giá 5.400 đồng. HHS có giá 5.800 đồng. 6 tháng đầu năm 2016, HHS chỉ đạt 950 tỷ đồng doanh thu và 82 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Còn bluechip một thời Hoàng Anh Gia Lai nay cũng chỉ có giá 6.300 đồng. DN này đang đứng trước khoản lỗ gần nghìn tỷ đồng với tình trạng tài sản phức tạp và khoản công nợ khổng lồ.
Phải chăng GEM đã “nhìn xa trông rộng”, thấy trước những nguy cơ này nên từ bỏ cam kết? Hay như những gì mà nhiều chuyên gia tiết lộ, rằng có những quỹ đầu tư nước ngoài đã lợi dụng cái mác “ngoại” để hợp tác với DN trong các thương vụ đánh bóng hình ảnh, đánh bóng giá cổ phiếu nhằm mục đích tư lợi cá nhân?
Trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán, nhiều quỹ ngoại mới đã tham gia sân chơi và đem lại kết quả tích cực cho sự tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, không loại trừ sẽ xuất hiện thêm nhiều GEM, nhiều Dragon Best International như trên, đòi hỏi không chỉ cơ quan quản lý có biện pháp giám sát chặt chẽ, mà chính nhà đầu tư cũng phải tỉnh táo.