Cần hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất tích hợp với các loại quy hoạch. Ảnh: Trần Chiến |
Nhiều bất cập, hạn chế
Tại Hội thảo khoa học Quan điểm định hướng, các giải pháp hoàn thiện công cụ kinh tế thúc đẩy chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam diễn ra ngày 8/8, tại Hà Nội, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực tế quy hoạch ở Việt Nam còn chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế về kỹ thuật, thông tin và chất lượng quy hoạch. Nói cách khác, yếu tố kỹ thuật trong quy hoạch của Việt Nam chưa có những chuẩn mực làm cho quy hoạch chưa phải là một kịch bản dẫn đường cho phát triển.
Vấn đề tiếp theo trong hệ thống quy hoạch hiện nay là cơ chế điều chỉnh quy hoạch thiếu chuẩn mực, nhiều khi không phải vì mục đích phát triển chung mà chỉ vì những lợi ích riêng. Điều này dẫn tới một thực trạng là Nhà nước chưa bảo đảm chức năng dẫn đường cho phát triển và lợi ích tư nhân chưa là động lực cho phát triển.
Nhìn ở quy hoạch đất, theo ông Võ, chúng ta có một khung pháp luật về quy hoạch tích hợp thống nhất được áp dụng trên phạm vi cả nước, nhưng quy hoạch sử dụng đất lại bị thay đổi hoàn toàn, không còn là một hệ thống.
“Mặc dù Luật Quy hoạch mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2019, nhưng quy hoạch sử dụng đất hiện nay vẫn đang mất tính thống nhất của một hệ thống. Điều này cần phải được xem xét để tiếp tục đổi mới nhằm thực sự đưa quy hoạch trở thành một công cụ tạo nên kịch bản phát triển, mang lại hiệu quả và hiệu suất cao cho phát triển”, ông Võ nói.
Ở góc độ thể chế, PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận, với đất đai, công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập như: chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên đất còn mang nặng tính hành chính bao cấp, thiếu công khai, minh bạch… “Chính quy hoạch sử dụng đất và việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất không tốt đã làm cho thị trường đất đai bị méo mó, biến dạng, trì trệ, vận hành không minh bạch”, ông Toản khẳng định.
Nhìn thực trạng các dự án “treo” hiện nay, bà Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hầu hết các dự án “treo” đều do quy hoạch hoặc văn bản có sai sót về mặt pháp luật. Tình trạng quy hoạch “treo” dẫn đến “treo” theo quyền lợi của người nông dân.
Kết quả khảo sát thực tế đất đai tại 10 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đắk Lắk) do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại Hội thảo cho thấy, công tác lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được chú trọng. Sau khi có quy hoạch thì tình trạng quy hoạch “treo” còn phổ biến.
“Hiện trên cả nước vẫn còn tới hàng ngàn dự án “treo” chưa được thu hồi. Các khu đô thị bị quy hoạch “treo” khiến cho mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất không đạt được”, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM dẫn chứng.
Đổi mới căn bản, vào cuộc đồng bộ
Từ thực trạng trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, cần hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất tích hợp với các loại quy hoạch.
“Từ nhiệm vụ phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch phục vụ cho nhu cầu phát triển đạt hiệu quả cao, Luật Quy hoạch đã được ban hành và kéo theo việc sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định của pháp luật về quy hoạch. Chương quy hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai 2013 cũng đã thay đổi hoàn toàn cho phù hợp với các quy định của Luật Quy hoạch”, ông Võ nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng, bản thân quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nội dung cơ bản là xác định công năng của từng loại đất gắn với quy mô đất sử dụng trong một thời hạn nào đó. Điều đó đã là một yếu tố cơ bản quyết định giá trị đất, khả năng sinh lời của đất theo công năng đó. Vì vậy, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải là một nội dung trọng yếu thể hiện chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, phù hợp với từng địa phương, khu vực. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước định giá đất trong từng giai đoạn.
Về vấn đề này, CIEM nhìn nhận, trong bối cảnh Luật Quy hoạch đã được thông qua, các quy hoạch được thống nhất về một quy hoạch mang tính tích hợp, cần sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan để quy hoạch thực sự là công cụ thúc đẩy sự chuyển dịch đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.