Quy hoạch tỉnh Hà Giang: Cần làm nổi bật nhiệm vụ an ninh quốc phòng và kinh tế biên mậu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Với kết quả 100% số phiếu đồng ý thông qua có chỉnh sửa, bổ sung, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
100% số phiếu đồng ý thông qua có chỉnh sửa, bổ sung đối với Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
100% số phiếu đồng ý thông qua có chỉnh sửa, bổ sung đối với Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang, sau khi lắng nghe các ý kiến của thành viên Hội đồng đối với Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu tại Phiên họp thẩm định chiều 14/2/2023, Bộ trưởng nhận định, Hồ sơ quy hoạch được Cơ quan lập quy hoạch phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và đặc biệt là được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo địa phương, nên có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, cơ bản đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia phản biện, thành viên Hội đồng trên tinh thần rất cầu thị.

Tại Phiên họp, Hội đồng thẩm định đã thảo luận và biểu quyết bằng Phiếu đánh giá. Kết quả, Hội đồng thống nhất thông qua Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình, rà soát và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch, kể cả những vấn đề của từng ngành, từng lĩnh vực khi xây dựng quy hoạch theo phương pháp tích hợp, tránh những vấn đề phức tạp trong triển khai sau này. Các ngành phải vào cuộc ngay từ đầu và chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực của mình phụ trách.

UBND Tỉnh chỉ đạo cơ quan tư vấn phối hợp với các sở, ban, ngành tổng rà soát những quy định mới, chủ trương mới, xu thế mới, đặc biệt là những nghị quyết mới của Đảng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, trong phát triển các vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột…

Theo đó, nội dung cần tập trung làm rõ gồm: quy trình tích hợp quy hoạch từ khi lập tới khi hoàn thiện để thấy rõ đã tích hợp quy hoạch khác vào các quy hoạch tỉnh như thế nào. Cùng với đó, cần làm rõ việc tích hợp nội dung nào vào quy hoạch, quy trình xử lý các vấn đề liên ngành, lĩnh vực như thế nào...

Vai trò, vị trí của Tỉnh ở trong Vùng cũng cần phải làm rõ hơn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiệm vụ quốc phòng an ninh đối với Hà Giang cần được coi là nhiệm vụ hàng đầu, là trụ cột đầu tiên phải làm bật lên được trong Quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Tiếp theo là giá trị văn hóa, du lịch, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Phát triển kinh tế cần tập trung và nhấn mạnh kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu để thúc đẩy xuất nhập khẩu, hỗ trợ cho khu vực miền xuôi. Bộ trưởng cho rằng, Hà Giang có thể phát triển thành nơi trung chuyển, thúc đẩy giao thương hàng hóa. Nếu có cao tốc thì khu vực cửa khẩu sẽ rất phát triển, biến cơ hội thành hiện thực cho Hà Giang phát triển.

Bên cạnh đó, trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, rào cản trong phát triển Tỉnh Hà Giang, cần bổ sung luận chứng làm rõ tính khả thi của kịch bản phát triển mà Tỉnh đưa ra và lựa chọn, trong đó cần xác định đâu là những động lực, đột phá cho phát triển chung, đâu là đóng góp của từng ngành, lĩnh vực trong tăng trưởng chung của Tỉnh.

Về nguồn lực cho phát triển, Hà Giang có 2 nguồn lực to lớn cần được làm rõ hơn, đó là văn hóa và con người. Về mô hình tăng trưởng, Hà Giang cần chọn lựa và khẳng định phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là xu thế và phải là chủ trương của Tỉnh.

Đối với các hành lang đột phá, Hà Giang xác định tuyến Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang là quan trọng, còn tuyến cần lưu ý Quảng Bạ - Đồng Văn - Mèo Vạc - Cao Bằng sẽ tạo không gian phát triển mới. Cửa khẩu Thanh Thủy có cơ chế đột phá hơn, thành trung tâm kinh tế và thương mại phục vụ xuất nhập khẩu của cả nước. Bộ trưởng cũng hết sức lưu ý tới vấn đề bảo vệ rừng, sinh thái, an ninh nguồn nước tại Hà Giang.

Đối với những kiến nghị của Tỉnh, tại cuộc họp chiều 14/2/2023, Hội đồng thẩm định cơ bản thống nhất, ủng hộ các kiến nghị liên quan đến cao tốc kéo dài từ Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang; QL4C đi qua Đồng Văn; bổ sung quy hoạch về sân bay để tạo điều kiện thu hút đầu tư; vấn đề hồ chứa nước để đảm bảo an ninh nguồn nước... Hội đồng sẽ hỗ trợ trong điều kiện cho phép để phù hợp với định hướng quy hoạch trong thời gian tới.

Phát biểu tại Phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực (ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ; ngành giáo dục và đào tạo); tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng (hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại).

Ông Đặng Quốc Khánh cũng cho biết, 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; Hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội./.