Quy hoạch tỉnh Kon Tum: Phát triển toàn diện, bền vững và kết nối thuận lợi với các trung tâm lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu đến năm 2030, Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới trở thành cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Xác định trọng tâm, đột phá đưa Kon Tum trở thành trung tâm động lực của Vùng

Chiều 10/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Kon Tum phải xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển trở thành một trong những trung tâm động lực của vùng. Ảnh Đức Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Kon Tum phải xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển trở thành một trong những trung tâm động lực của vùng. Ảnh Đức Trung

Theo số liệu về sự phát triển của tỉnh Kon Tum trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 đạt 8,71%/năm. Năm 2020, GRDP toàn Tỉnh đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011, tăng hơn 1,6 lần so với năm 2015. Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, so với các tỉnh vùng Tây Nguyên, Kon Tum nằm trong nhóm có giá trị GRDP thấp nhất. Điều này cho thấy vị thế kinh tế của Tỉnh trong vùng Tây Nguyên còn thấp.

Một lần nữa nhấn mạnh công tác quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội quý để Kon Tum tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, từ đó đưa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian, nguồn lực phát triển cho thời kỳ quy hoạch.

Tỉnh Kon Tum cần phải xây dựng một bản quy hoạch có chất lượng, trong đó đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển trở thành một trong những trung tâm động lực của Vùng.

Gỡ điểm nghẽn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn chia sẻ, trải qua hơn 110 năm hình thành và phát triển và hơn 30 năm tái thành lập tỉnh, Kon Tum từ một địa phương lạc hậu, tỷ lệ nghèo đói luôn ở mức cao, nhưng đã nỗ lực vươn lên và đạt được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay Kon Tum vẫn là tỉnh còn nghèo và nguy cơ tụt hậu trong các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên (GRDP 2023 đứng thứ 5/5 tỉnh trong Vùng và đứng thứ 58/63 tỉnh trong cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 43,3 triệu đồng, đứng thứ 4 vùng Tây Nguyên, thứ 53 cả nước; thu hút đầu tư đứng thứ 52 và thu ngân sách đứng thứ 55 trên cả nước).

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn khẳng định, để tạo hành lang pháp lý vững chắc, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế hiện có giúp địa phương phát triển nhanh và bền vững, Kon Tum đã xác định Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo Dự thảo Quy hoạch, Kon Tum đặt mục tiêu tổng quát của thời kỳ quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, và trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.

Tiếp tục phát triển Tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong Vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2050, Kon Tum hướng tới là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Hai lĩnh vực trọng điểm là nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử sẽ làm tiền đề cho phát triển công nghiệp xanh với các ngành chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng là chủ lực... Thu nhập bình quân đầu người, chất lượng cuộc sống và mức chi tiêu dùng gia tăng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế và xã hội phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài Tỉnh.

Đột phá với 3 trung tâm đô thị - 3 hành lang - 3 trung tâm động lực

Về không gian, Kon Tum sẽ là tập hợp của hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn, các khu kinh tế, khu cụm công nghiệp, khu du lịch, khu nghiên cứu, khu đào tạo, khu thể dục thể thao, khu nghỉ dưỡng, bảo tồn thiên nhiên... phát triển trong những thiết chế năng động, sáng tạo, hiện đại, mang lại hiệu quả cao và cùng có lợi. Trong đó, hệ thống đô thị Kon Tum sẽ được phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội; là sự tập trung cao các yếu tố như vốn, lao động và các dịch vụ công nghệ kỹ thuật cũng như khả năng kinh doanh của của các cá thể và tổ chức kinh tế trong cộng đồng đô thị cùng với sự tác động qua lại lẫn nhau giữa nhiều yếu tố như: quy mô, ngoại ứng, nội sinh... Đô thị hóa sẽ ảnh hướng mạnh mẽ đến cơ cấu các vùng kinh tế nông thôn và thành thị, đồng thời còn thúc đẩy cách mạng trong nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế; hình thành rõ rệt các khu vực kinh tế chính thức thay thế cho khu vực phi chính thức, tăng cường quá trình tích luỹ - tiêu dùng và thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại quốc tế.

Dự thảo Quy hoạch đưa ra các đột phá về không gian lãnh thổ với định hướng phát triển 3 trung tâm đô thị: Đô thị trung tâm (TP. Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc hồi - Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng đen và Khu du lịch Măng Đen).

Phát triển 3 hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị, gồm: Hành lang Quốc lộ 14 và cao tốc Bắc - Nam; hành lang Quốc lộ 24 và cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi và hành lang Quốc lộ 40B.

Phát triển 3 trung tâm động lực tăng trưởng, gồm: TP. Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Măng Đen và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.