Quy hoạch tỉnh Nam Định: Làm rõ hơn các phương án tạo nền tảng cho phát triển giai đoạn tới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian vừa qua, mặc dù có tiềm năng, thế mạnh nhưng tỉnh Nam Định vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển. Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần làm rõ hơn, sâu sắc hơn việc đầu tư các hạ tầng ưu tiên cho tăng cường liên kết, phát triển vùng, phương án lấn biển… để tạo nền tảng cho phát triển của Tỉnh trong thời gian tới.

Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức sáng ngày 24/7/2023 tại Hà Nội.

Phát triển hiệu quả các hành lang giao thông

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tỉnh Nam Định đã tập trung nguồn lực, chỉ đạo sát sao công tác lập Quy hoạch trong thời gian vừa qua; Quy hoạch có sự bám sát các văn bản, nghị quyết, khung định hướng đã được ban hành trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: Đức Trung)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: Đức Trung)

Về tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Nam Định rất thuận lợi trong việc khai thác các tuyến đường sông và cảng thủy nội địa cũng như phát triển hệ thống công trình thủy lợi. Kinh tế đa ngành, tăng trưởng khá; ngành công nghiệp, nông nghiệp đa dạng; có nhiều sản phẩm đặc thù; hạ tầng kinh tế khá, điều kiện hạ tầng kỹ thuật được triển khai áp dụng khá phong phú.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của Nam Định trong thời gian vừa qua có nhiều điểm nghẽn khi GRDP chỉ ở mức 6,6% trong giai đoạn 2011 - 2020; cơ cấu kinh tế mất cân đối, độ mở liên kết vùng thấp, không thu hút được đầu tư có chất lượng, quy mô kinh tế dậm chân tại chỗ; mức đô thị hóa chỉ đạt 20,3% trong khi cả nước là 33,6%...

Do đó, trong Quy hoạch Tỉnh, Nam Định phải chỉ rõ được đâu là những cản trở lớn nhất, đâu là cơ hội mới để tổ chức lại các ngành lĩnh vực, không gian phân bổ nguồn lực để phát triển nhanh hơn, để giải phóng và thu hút nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Hiện có 2 dự án giao thông quan trọng đi qua Nam Định (cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh) giúp Tỉnh có lợi thế gần hơn tới cảng Hải Phòng, sân bay Cát Bi…, do đó, Tỉnh cần tạo dựng phương án để tối ưu hóa hiệu quả của 2 hành lang giao thông này. Quy hoạch Tỉnh cần chú ý tới việc tổ chức không gian lãnh thổ, không gian phát triển để hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với 2 hành lang giao thông này.

Ngoài ra, việc xây dựng các phương án phát triển dựa trên lợi thế sẵn có Tỉnh để tận dụng các lợi thế của các địa phương bên cạnh, như tận dụng được cảng Lạch Huyện và sân bay Cát Bi của TP. Hải Phòng, cũng là một trong những hướng phát triển hay, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý.

Sớm có Quy hoạch để đón dự án đầu tư

Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định

Ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định

Phát biểu tại Phiên họp, ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, trong quá trình lập Quy hoạch, Tỉnh đã thực hiện rà soát và xác định được 4 điểm nghẽn trong phát triển gồm: Điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng kết nối đối ngoại và các liên kết lãnh thổ, liên kết phát triển. Điểm nghẽn trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển “độc cực”, mất cân đối trong tổ chức không gian lãnh thổ. Điểm nghẽn trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thời gian qua, một số nhà đầu tư cũng đã có tìm hiểu và đang có định hướng đầu tư tại Nam Định. Tuy nhiên, để triển khai các dự án đầu tư, cần sớm có Quy hoạch được phê duyệt. Do đó, sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Thẩm định, Tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ sớm triển khai ngay việc tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện để sớm có bản Quy hoạch hoàn chỉnh báo cáo Chính phủ.

Đưa Nam Định trở thành một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo Dự thảo Quy hoạch, quan điểm phát triển kinh tế đến năm 2030 được Nam Định đặt ra là phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực của Tỉnh...

Nam Định lựa chọn kịch bản phát triển nhanh theo hướng bền vững, với phương án phát triển nhanh kinh tế, đồng thời đảm bảo các vấn đề xã hội, bảo vệ, khôi phục và gia tăng hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; đảm bảo công bằng xã hội gắn kết với ổn định. Phương án này hướng tới mục tiêu đưa Nam Định trở thành một cực tăng trưởng kinh tế vùng Nam Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các địa phương vùng ĐBSH.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là tỷ lệ tăng trưởng GRDP đạt 9,5%/năm (trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng là 53%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 12,5%; khu vực dịch vụ là 33%). GRDP bình quân đầu người là 130 - 150 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư xã hội trung bình hàng năm là 91.000 tỷ đồng...

Về không gian lãnh thổ, Nam Định định hướng phát triển 4 trung tâm đô thị gồm: Đô thị trung tâm Tỉnh (TP. Nam Định và thị trấn Mỹ Lộc); Đô thị Cao Bồ; Đô thị Rạng Đông -Thịnh Long và Đô thị Giao Thủy (thị trấn Ngô Đồng, Đô thị Đại Đồng). 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo gồm: hành lang Quốc lộ 10 (TP. Nam Định - Cao Bồ); hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (Hà Nội - Cao Bồ - Rạng Đông); hành lang quốc lộ ven biển (Ninh Bình - Rạng Đông - Giao thủy - Thái Bình); hành lang TP. Nam Định - Lạc quần -Giao thủy; hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh.

Kết luận tại Phiên họp, thay mặt Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Tỉnh triển khai đúng quy định pháp luật, nghiêm túc, công phu, thể hiện được khát vọng phát triển của Tỉnh, sự liên kết, đồng bộ trong kết cấu hạ tầng, sắp xếp phân bổ không gian phát triển kinh tế xã hội.

100% thành viên của Hội đồng Thẩm định đã nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện phải chỉnh sửa bổ sung.