Quy hoạch tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Liên kết vùng đã rõ nét hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo giữa kỳ và cuối kỳ quy hoạch chung các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã tô đậm thêm nét liên kết vùng, phát triển trong mối quan hệ tương hỗ hướng tới mục tiêu cùng khai thác lợi thế cạnh tranh…
Liên kết vùng trước hết là đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông để trao đổi và thông thương hàng hóa dựa vào thế mạnh của các địa phương. Ảnh: Hà Minh
Liên kết vùng trước hết là đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông để trao đổi và thông thương hàng hóa dựa vào thế mạnh của các địa phương. Ảnh: Hà Minh

Đã có nhiều cuộc bàn thảo tầm quốc tế, quốc gia, khu vực được tổ chức, nhiều đề xuất, kiến nghị, kế sách được đưa ra, nhưng đến nay, liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn kém hiệu quả. Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng miền Trung, nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, hình thức, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp; năng lực, tư duy và trình độ quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển; hệ thống thông tin dữ liệu chung của vùng chưa được quan tâm.

Ngoài ra, theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, còn thiếu sự phân công giữa các địa phương trong vùng; một số tài nguyên, nguồn lực bị khai thác manh mún nên hiệu quả thấp. Liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa đa dạng, chưa chặt chẽ; kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn bất cập…

Những bất cập này sẽ được khắc phục như thế nào trong lần điều chỉnh quy hoạch chung các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050? Ông Hoàng Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước hết là đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông để trao đổi và thông thương hàng hóa dựa vào thế mạnh của các địa phương. Trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, việc liên kết được chỉ ra qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; trục giao thông Bắc - Nam; hệ thống cảng biển nước sâu (cảng Chân Mây, Liên Chiểu, Kỳ Hà - Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn); cảng hàng không (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát). Trong đó, trục cao tốc Bắc - Nam có những đoạn đã hiện hữu như cao tốc La Sơn - Túy Loan đã thông xe khớp nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và sắp tới sẽ đồng bộ với tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Từ hạ tầng giao thông sẽ tạo ra liên kết các lĩnh vực khác, đó là liên kết tiềm năng mà các địa phương đang sở hữu. Ví dụ, Thừa Thiên Huế là thế mạnh về du lịch, Đà Nẵng là thu hút đầu tư công nghệ cao, Quảng Nam với thế mạnh về công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và trung chuyển hàng không… “Những thế mạnh này nếu được tận dụng, điều phối và chia sẻ thì miền Trung sẽ mạnh và giàu”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Thanh, đối với Quảng Nam, quy hoạch phát triển của địa phương không đơn lẻ mà cần có sự kết nối liên vùng nên phải thay đổi, phải tạo ra sự khác biệt. “Quy hoạch Quảng Nam lần này sẽ không là những phép cộng đơn thuần hay mảnh ghép của các lãnh thổ, mà thể hiện “đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững”, không na ná các tỉnh, thành phố khác nhưng vẫn mang tính liên kết hài hòa, bền vững”, ông Thanh cho biết.

Trong quy hoạch tỉnh Bình Định tầm nhìn đến 2050, theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, yếu tố liên kết vùng được lưu ý ngay từ đầu với đơn vị tư vấn. Trước tiên là đặt Bình Định trong mối liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, rộng hơn là liên kết theo tam giác quốc gia: Việt Nam - Lào - Campuchia. Để liên kết thực chất và hiệu quả, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đối ngoại quan trọng đã được Bình Định đầu tư đưa vào sử dụng như Quốc lộ 19 nối Khu kinh tế Nhơn Hội - cảng Quy Nhơn - sân bay Phù Cát - Quốc lộ 24 lên Tây Nguyên…

Trong khi đó, được định vị là trung tâm của duyên hải miền Trung, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vai trò của Đà Nẵng trong liên kết vùng giai đoạn mới càng “nặng ký” hơn. “Trong quy hoạch tầm nhìn đến 2050, Đà Nẵng định hình liên kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế Đông - Tây 2, tuyến cao tốc, ven biển và đặc biệt là thông qua hạ tầng hàng không. Vì vậy, Đà Nẵng đang đẩy nhanh đầu tư cảng biển Liên Chiểu, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, quan trọng nhất trong liên kết quy hoạch chính là cơ chế quản lý kiểm soát quy hoạch và cơ chế phát triển phù hợp. Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho vùng chính là chìa khóa để mở cánh cửa liên kết, phát triển thực chất và bền vững. Ban Kinh tế Trung ương đang hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển theo hướng liên kết vùng thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục