Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tăng trưởng cao để hiện thực hóa khát vọng đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tất cả 44 ủy viên, thành viên của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa thống nhất thông qua Hồ sơ QHTTQG, đủ điều kiện để Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. 
Với phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031 - 2050 từ 6,5% đến 7,5%, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045. Ảnh: Giang Đông
Với phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031 - 2050 từ 6,5% đến 7,5%, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045. Ảnh: Giang Đông

Trong đó, phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031 - 2050 từ 6,5% đến 7,5% nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia bởi đây là mức tăng trưởng phù hợp, cần thiết để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Ngày 14/9, Hội nghị Thẩm định QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp và chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm” khi lần đầu tiên lập QHTTQG theo phương thức tích hợp. Nhưng đây cũng là cơ hội rất lớn để đánh giá lại hiện trạng một cách thực chất, tổng thể, qua đó đề xuất định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của đất nước, mở ra không gian phát triển mới, cơ hội phát triển mới, động lực phát triển mới để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031 - 2050 được đưa ra trong Báo cáo QHTTQG từ 6,5% đến 7,5% là phù hợp để đến năm 2045, GDP bình quân đầu người của Việt Nam bước vào nhóm nước thu nhập cao.

Ông Cao Viết Sinh phân tích, thực tế 30 năm qua (giai đoạn 1990 - 2020), ngưỡng thu nhập cao của thế giới tăng gấp 1,65 lần (từ 7.689 USD vào năm 1990 lên 12.536 USD vào năm 2020). Nếu trong vòng 30 năm tới (vào năm 2050), ngưỡng thu nhập cao của thế giới tăng như giai đoạn 30 năm trước, khoảng 1,7 lần thì sẽ đạt 21.300 USD vào năm 2050 (nếu kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh thì ngưỡng thu nhập cao sẽ vào khoảng 23.000 - 25.000 USD). Với phương án tăng trưởng như trên, GDP bình quân đầu người của nước ta (27.000 - 32.000 USD) sẽ bước vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045 như tầm nhìn Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Nếu chọn mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2031 - 2050 thấp hơn sẽ rất khó đạt mục tiêu đề ra.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm, Việt Nam đang có những cơ hội rõ ràng để bứt phá phát triển. Không nên đề xuất kịch bản tăng trưởng thấp mà Báo cáo QHTTQG nên chú trọng kịch bản tăng trưởng cao (mục tiêu tăng trưởng GDP là 7,5%/năm cho giai đoạn 2021 - 2030). Việc xây dựng kịch bản cao để tạo áp lực, khuyến khích hành động và tận dụng thời cơ.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khuyến nghị, cần đặc biệt quan tâm tới tiềm năng kinh tế biển bởi các vùng ven biển sẽ tạo được chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế biển, gắn với giải pháp tăng cường sức chống chịu của vùng biển trước thiên tai. Từ vùng biển, nên thiết lập các chuỗi giá trị liên kết với vùng núi để từ đó phát triển kinh tế vùng núi. Đây là một kịch bản phát triển mà Trung Quốc đã áp dụng để tạo nên sự lớn mạnh của nền kinh tế.

Nhắc lại quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước là "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, QHTTQG phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực. Trong đó, nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa - lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài; ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá. Đồng thời, cần chỉ ra, hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế (như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, kết nối quốc tế, chênh lệch phát triển giữa các khu vực…).

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở thêm các vấn đề trong QHTTQG như mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch.

Thủ tướng cũng lưu ý cách thức huy động nguồn lực để thực hiện QHTTQG gồm nhân lực, vật lực, tài lực; trong đó có nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp, nguồn lực bên ngoài. Yếu tố con người là quyết định, đặc biệt là đội ngũ cán bộ và người đứng đầu.

Tin cùng chuyên mục