Ảnh Internet |
Hành nghề xe ôm cần được cấp đăng ký
Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Nguyễn Văn Hậu, giao thông công cộng ở TP.HCM vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình như các thành phố lớn trên thế giới. “Về chính sách quản lý xe taxi và xe ôm, Đề án xác định người hành nghề xe ôm cần phải được cấp đăng ký theo phường. Theo tôi, điều này là không phù hợp bởi lẽ, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 đã tạo cơ sở pháp lý minh bạch để đảm bảo thực hiện quyền tự do đầu tư, kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà luật không cấm, hạn chế tình trạng xin - cho, cấp phép… Tôi cho rằng, đối với những người hành nghề xe ôm, họ chỉ cần đăng ký bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chứ không cần thiết phải được cấp phép” - ông Hậu phát biểu.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM Tạ Long Hỷ cho biết, ông đề nghị đưa hoạt động taxi ra khỏi mục Chính sách hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; đồng thời tiếp tục khẳng định hoạt động taxi là VTHKCC. “Trong xây dựng chính sách phát triển, cần xem xét thực tế và có quan điểm xuyên suốt đối với vận tải hành khách bằng taxi là VTHKCC phục vụ đắc lực cho ngành du lịch, đầu tư và đi lại của người dân TP.HCM”, ông Hỷ khuyến nghị.
Đa số các chuyên gia băn khoăn, trong các nỗ lực nâng cao năng lực VTHKCC của TP.HCM chưa hiệu quả, tại sao cơ quan soạn thảo Đề án lại quá chuyên tâm đến việc đề xuất quản lý, cấm, hạn chế những hình thức vận tải khác?
Đề án xa rời thực tế
Đây là quy hoạch ngành nhằm nâng cao năng lực VTHKCC nhưng Dự thảo Đề án chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại của hành khách. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng tỷ lệ này lên khoảng 40 - 50% nhu cầu, tương tự như Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM Hà Ngọc Trường phản biện, Đề án chủ yếu đi sâu vào quy hoạch mạng lưới xe buýt, không tính toán đến việc tích hợp hệ thống xe buýt với đường sắt đô thị, BRT đã và đang hình thành. Mặt khác, đơn vị tư vấn đã không nghiên cứu tâm lý, nhu cầu của hành khách khi xây dựng quy hoạch.
Nhiều ý kiến phản biện tại Hội nghị thẳng thắn bày tỏ, họ rất lấy làm lạ khi TP.HCM chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để trợ giá xe buýt nhưng số lượng hành khách vẫn liên tục giảm. Nhiều đại biểu cho rằng, với từng đó tiền trợ giá mà không nâng được hiệu quả của hoạt động vận tải, có lẽ doanh nghiệp chỉ lo hưởng trợ cấp. Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nguyên nhân suy giảm lượng hành khách chính là do chất lượng phục vụ xe buýt kém và có nhiều đơn vị vận tải hoạt động cá thể… Do đó, Sở sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung và định hướng quy tụ những đơn vị vận tải nhỏ lẻ thành đơn vị lớn.
Tuy nhiên, đối với định hướng “tổ chức xây dựng một cơ quan quản lý VTHKCC cấp thành phố” trên cơ sở “Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC thuộc Sở GTVT” không được các chuyên gia ủng hộ, đặc biệt là đề nghị gộp cả chức năng điều hành vận tải đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia có liên quan đến Thành phố. Giới chuyên môn cũng tỏ ra thất vọng vì Dự thảo Đề án không đáp ứng được những mong đợi về sư đột phá, cải cách trong quản trị doanh nghiệp vận tải cũng như cải tổ mô hình quản lý các doanh nghiệp VTHKCC tại TP.HCM.