Quý I, nhiều DN thấy trước thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khác với quý I mọi năm, khi doanh nghiệp hào hứng công bố sớm dự kiến lãi tốt, năm nay, nhiều doanh nghiệp công bố dự kiến lỗ đồng thời giảm các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động so với năm trước. Những khó khăn nhãn tiền đang ngấm vào đời sống doanh nghiệp và hệ lụy suy giảm hiệu quả như một điều tất yếu sẽ xảy ra…
 Trong quý I/2023, Viglacera Thăng Long dự kiến lỗ 0,179 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Trong quý I/2023, Viglacera Thăng Long dự kiến lỗ 0,179 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Công ty CP Viglacera Thăng Long vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, Công ty đặt mục tiêu doanh thu ở mức 687,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 12,1 tỷ đồng, thấp hơn 3,7% so với năm ngoái. Tuy nhiên trong quý I/2023, Công ty dự kiến lỗ 0,179 tỷ đồng.

Không chỉ Viglacera Thăng Long, một số doanh nghiệp khác cũng dự kiến lỗ trong quý I/2023 như Công ty CP Vicem Bao bì Bỉm Sơn ước tính lỗ 0,18 tỷ đồng và cả năm lãi 1,526 tỷ đồng; Công ty CP Viglacera Tiên Sơn dự kiến lỗ 3,8 tỷ đồng; Công ty CP Sứ Viglacera Thanh Trì dự kiến lỗ 4,03 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực cao su thiên nhiên, HĐQT Công ty CP Cao su Tân Biên dự kiến doanh thu đạt 78,2 tỷ đồng và lỗ 9,1 tỷ đồng trong quý đầu năm nay. Về kế hoạch cả năm, Cao su Tân Biên đặt mục tiêu tiêu thụ 12.500 tấn cao su, tương ứng với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 614,6 tỷ đồng và 143,8 tỷ đồng.

Theo số liệu từ Trading Economics, giá cao su tự nhiên hợp đồng tương lai tại thị trường hàng hóa Nhật Bản kéo dài xu hướng giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu khi lãi suất tăng tiếp tục gây áp lực lên triển vọng nhu cầu. Đồng thời, thị trường chờ đợi những dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn của quốc gia tiêu dùng hàng đầu là Trung Quốc. Điều này tác động tiêu cực đến triển vọng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp khai thác cao su.

Trong ngành thép, báo cáo mới đây của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép trong tháng 2/2023 chưa bằng 70% cùng kỳ năm ngoái, đạt 475.000 tấn. Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng đạt 877.000 tấn, giảm 34%.

Những con số này cho thấy khó khăn của Hòa Phát và ngành thép nói chung. Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, Hòa Phát đã vận hành trở lại 1 trong 4 lò cao tại Hải Dương từ ngày 27/12/2022. Công ty vẫn còn 3 lò cao đang đóng và chưa có kế hoạch vận hành trở lại. Điều này đồng nghĩa nhu cầu kỳ vọng trong ngắn hạn với các sản phẩm thép vẫn thấp.

Với nhu cầu yếu, VNDirect lo ngại khả năng chuyển rủi ro tăng giá nguyên liệu đầu vào của Hòa Phát sang phía người tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành nhà máy thấp trong nửa đầu năm 2023 cũng sẽ tác động tới biên lợi nhuận của Công ty. Nếu không có sự cải thiện, lợi nhuận ròng của Hòa Phát có thể vẫn âm trong quý I/2023.

Vào ngày 30/3 tới, Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát dự kiến sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, doanh thu dự kiến đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2022.

Cùng trong ngành thép, theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC có thể ghi nhận doanh thu 4.415 tỷ đồng và lỗ sau thuế 2 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023. Lũy kế cả năm 2023, ước tính doanh thu của Đầu tư Thương mại SMC là 23.845 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 148 tỷ đồng, tương ứng EPS là 1.653 đồng. Đồng thời, Đầu tư Thương mại SMC cũng phát sinh công nợ khoảng 1.000 tỷ đồng với Novaland, gây rủi ro trích lập dự phòng và ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính.

Nhiều doanh nghiệp khác đang dự kiến lợi nhuận “đi lùi” trong quý đầu năm. Đơn cử, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ dự kiến sản lượng đạt 135.000 teu; doanh thu dự kiến đạt 150 tỷ đồng, tăng 5% nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 60 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Công ty CP Bột giặt LIX dự kiến lãi trước thuế 50 tỷ đồng, giảm khoảng 9% so với quý I/2022. Công ty CP Sông Ba dự kiến lãi trước thuế 41,84 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ 2022…

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) gửi UBND Thành phố, 83% doanh nghiệp được Hiệp hội khảo sát cho biết đang gặp khó khăn. Cụ thể, có 43% doanh nghiệp được khảo sát gặp khó khi lãi suất vay cao, 40% doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn và 38,2% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có 41,2% doanh nghiệp cho biết thị trường bị thu hẹp, 30,1% doanh nghiệp gặp khó khi hàng tồn kho nhiều… Các khó khăn đang ngấm sâu vào doanh nghiệp và việc phản ánh vào kết quả kinh doanh là tất yếu, nếu không có giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua…

Tin cùng chuyên mục