Quy mô kinh tế Quảng Ngãi tăng 321 lần sau 35 năm tái lập Tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024, quy mô nền kinh tế Quảng Ngãi (GRDP theo giá hiện hành) ước đạt 132.653 tỷ đồng (bình quân giai đoạn 1990 - 2024 tăng 18,5%/năm), gấp 321 lần so với năm 1990.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau 35 năm tái lập Tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 60.901 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 106,2 triệu đồng (khoảng 4.464 USD, so với năm 1990, gấp 274 lần).

Cơ cấu nền kinh tế cũng có những thay đổi rõ rệt. Năm 1989, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 55,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 16,5% và dịch vụ chiếm 27,8%. Đến năm 2019, tỷ trọng công nghiệp tăng lên 51,9%, dịch vụ lên 29,8% và nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 18,3%. Thu nhập bình quân đầu người từ mức 909.000 đồng/tháng/người năm 2010, tăng lên mức 3,08 triệu đồng năm 2019 và đạt mức 4,03 triệu đồng năm 2023.

Thu ngân sách trên địa bàn Tỉnh tăng dần qua các thời kỳ, nhất là khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Năm 1989, thu ngân sách chỉ đạt 16,3 tỷ đồng, đến năm 2023, thu ngân sách đạt 30.667 tỷ đồng, gấp 1.881 lần so với năm 1989.

Về thu hút đầu tư, năm 2023, Quảng Ngãi có 8 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vốn đăng ký 366 triệu USD. Lũy kế đến nay có 71 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 2.287 triệu USD. Với các dự án đầu tư trong nước, có 19 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2023, với tổng vốn đăng ký 17.322 tỷ đồng; lũy kế đến nay có 642 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 396.537 tỷ đồng.

Năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới là 722 doanh nghiệp, vốn đăng ký khoảng 6.340 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân 8,8 tỷ đồng/doanh nghiệp. Lũy kế đến nay có 11.235 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có 6.434 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 57,3%).

Giá trị sản xuất công nghiệp theo kế hoạch năm 2024 ước đạt 136.569 tỷ đồng, gấp gần 227 lần so với năm đầu tái lập Tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,8%/năm.

Sản xuất thiết bị tại Doosan Vina Quảng Ngãi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Sản xuất thiết bị tại Doosan Vina Quảng Ngãi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Những năm đầu tái lập Tỉnh, Quảng Ngãi chỉ có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 90% là hộ cá thể. Đến nay đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi hơn 30 nước tiên tiến trên thế giới. Đã xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Khu công nghiệp đô thị VSIP và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, hình thành và phát triển thành công của Khu kinh tế Dung Quất với định hướng là phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp phục vụ kinh tế biển.

Kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi ghi nhận mức tăng trưởng cao. Năm 1989, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,92 triệu USD; kế hoạch đến năm 2024 ước đạt 2.500 triệu USD, gấp 638 lần so với năm đầu tái lập Tỉnh.

Ngày 30/6/1989, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tỉnh Nghĩa Bình để tái lập tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Thời điểm tái lập, Quảng Ngãi có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị xã Quảng Ngãi và các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long và Ba Tơ, với tổng số 164 xã. Dân số năm 1989 của tỉnh Quảng Ngãi có 1.041.900 người, gồm các dân tộc Kinh, Hre, Cor, Cadong. Sau 35 năm tái lập, tỉnh Quảng Ngãi có 13 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố (TP. Quảng Ngãi), 1 thị xã (Đức Phổ) và 11 huyện với 1 huyện đảo. Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, dân số trung bình năm 2023 là 1.248.111 người, mật độ dân số 242,1 người/km2.

Tin cùng chuyên mục