Quyết liệt ổn định kinh tế vĩ mô - “chìa khóa” tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào hôm nay (22/10), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, với độ mở nền kinh tế lớn, thời gian tới, Việt Nam cần quyết liệt thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó hiệu quả trước các biến động, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Đánh giá về tình hình KTXH năm 2022, tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng, kết quả phát triển KTXH cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Điều này rất đáng trân trọng và đây là động lực tích cực cho mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), khi Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, tình hình kinh tế thế giới biến động nhanh, xuất hiện nhiều yếu tố bất định, bất thường, bất an nên có không ít lo lắng về quá trình phục hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả đạt được rất tốt đẹp.

“Năm 2022, Việt Nam hoàn thành, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch là kết quả đáng trân trọng, giúp chúng ta có động lực hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu KTXH mà Đảng đã đề ra, cũng như Kế hoạch phát triển 2021 - 2025”, ông Ngân đánh giá.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng tích cực sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng; xử lý doanh nghiệp nhà nước thua lỗ lâu dài đang có tín hiệu tốt...

Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh, bản thân nội tại vẫn còn nhiều tồn tại; còn các yếu tố bên ngoài bất định và bất ổn. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta lại có độ mở lớn nên gặp không ít khó khăn, thách thức trong điều hành thời gian tới.

“Do vậy, cần quyết liệt hơn trong ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng và tăng trưởng bền vững”, ông Ngân khuyến nghị.

Đại biểu này nhắc lại bài học điều hành trong quá khứ - giai đoạn Việt Nam bị ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để có chính sách điều hành phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc mạnh hơn đối với thị trường tài chính và bất động sản cũng như tạo ra thể chế chặt chẽ và minh bạch.

Theo ông Ngân, thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, thể chế cần phải được hoạch định rõ ràng, nhằm đảm bảo cho tài sản của người dân. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như chọn lọc trong xem xét thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để giảm thâm dụng lao động cũng như năng lượng trong bối cảnh nguồn cung năng lượng thế giới gặp nhiều thách thức.

Liên quan đến vấn đề xăng dầu cho nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, việc điều hành xăng dầu cần quyết liệt, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ như vừa qua. Công tác điều hành xăng dầu cần được Chính phủ tập trung nhiều hơn.

“Thời gian tới, diễn biến giá xăng dầu có thể phức tạp, vì thế Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan trong trường hợp đặc biệt”, ông Ngân gợi ý.

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu bày tỏ lo lắng về “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng tốt nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn cao.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng như đại biểu Nguyễn Tri Thức (TP.HCM) đề cập đến những khó khăn, bất cập mà ngành y tế đang gặp phải, cần được tháo gỡ. Đó là tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt; thiếu thuốc và vật tư y tế.

Tin cùng chuyên mục