Quyết sách đúng, chờ “đường băng” thực thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những ngày cuối tháng 4, chia sẻ quan điểm với Báo Đấu thầu về chặng đường chống dịch và nỗ lực phục hồi kinh tế của đất nước với kết quả khả quan đạt được, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đó là kết quả của một chiến lược vaccine thành công, tạo tiền đề để thực hiện các quyết sách phục hồi và phát triển kinh tế quan trọng. Quyết sách đúng đắn đã có, rất cần “đường băng” thực thi để nền kinh tế cất cánh.
Quốc hội, Chính phủ đã rất nhanh chóng và quyết liệt khi ban hành các quyết sách phục hồi kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Quốc hội, Chính phủ đã rất nhanh chóng và quyết liệt khi ban hành các quyết sách phục hồi kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Nỗ lực và quyết tâm

Theo ông Hiếu, 2 năm qua, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn về nhiều mặt do tác động của dịch Covid-19 và cả các bất ổn địa chính trị toàn cầu. Có thể thấy Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã rất nỗ lực với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao trong việc ban hành và thực thi các giải pháp vừa chống dịch hiệu quả vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm rõ rệt nhất là Việt Nam đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn đồng thời với việc thực hiện thành công chiến lược vaccine.

Cùng với nỗ lực chống dịch, quyết tâm nhanh chóng khôi phục kinh tế và tăng trưởng bền vững được thể hiện rõ trong các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Đó là Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (NQ43) được thông qua trong kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai NQ43 (NQ11) được ban hành vào ngày 30 Tết Nguyên đán năm 2022.

Điểm đáng chú ý là các giải pháp tại Chương trình thể hiện rõ cam kết thực thi nhanh và hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ tạo động lực, kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho DN. Điều đó cho thấy Quốc hội và Chính phủ rất năng động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, tinh thần trách nhiệm với người dân, với DN và đất nước.

Ông Hiếu cho rằng, đồng thời với những chính sách ứng phó dịch bệnh và bất ổn địa chính trị hiện nay, về chặng đường trung và dài hạn, Chính phủ tiếp tục thực hiện và quyết tâm thúc đẩy các chính sách tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế về nhiều phương diện.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 - 2025. Một trong những quan điểm chỉ đạo nổi bật tại Chương trình này là: “Lấy DN, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho DN, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh”.

Hơn nữa, năm thứ 8 liên tiếp, Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được ban hành. Điều này thể hiện cam kết và sự quyết tâm của Chính phủ về việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và nền kinh tế.

Để nền kinh tế có thể đi nhanh, đi xa hơn trong quá trình hội nhập, điều kiện tiên quyết vẫn là sự nỗ lực của chính doanh nghiệp

Để nền kinh tế có thể đi nhanh, đi xa hơn trong quá trình hội nhập, điều kiện tiên quyết vẫn là sự nỗ lực của chính doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra các mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng, phát triển các loại thị trường, phát triển lực lượng DN…

Ở góc độ khác, có thể thấy Chính phủ tiếp tục chủ trương hội nhập kinh tế sâu rộng, tạo điều kiện cho DN vươn ra biển lớn, để vừa phát triển nội lực, vừa đảm bảo tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế.

Đến nay, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, cánh cửa xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng rộng mở. Kim ngạch ngoại thương của Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, mức tăng lên đến 22,6% trong năm 2021 so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng gần 20% trong cùng kỳ so sánh. Điều đó cho thấy nền kinh tế ngày càng vững mạnh, DN có sức cạnh tranh tốt hơn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Vẫn còn nhiều điểm băn khoăn

Từ các góc độ của nền kinh tế, theo ông Hiếu, các giải pháp và chiến lược trong những năm gần đây đã bao quát toàn diện, phát huy những điểm lợi thế và khắc phục mặt hạn chế của nền kinh tế, chủ trương phát triển có chiều sâu và bền vững. Tăng trưởng kinh tế tích cực, hoạt động sản xuất của DN ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được đã đạt kỳ vọng hay chưa, đã tối ưu nguồn lực hay chưa, chúng ta còn có thể làm tốt hơn không? Câu trả lời là: “vẫn còn nhiều điểm băn khoăn”.

Quốc hội, Chính phủ đã rất nhanh chóng và quyết liệt khi ban hành các quyết sách phục hồi kinh tế nhưng khâu tổ chức thực thi vẫn còn nhiều điểm chưa đạt như kỳ vọng. NQ11 đã được ban hành 3 tháng nhưng đến nay, nhiều nội dung thực hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, như hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ lãi suất, hướng dẫn gia hạn nộp thuế và tiền sử dụng đất…

Quan điểm của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả; nguồn lực đưa ra có khả năng hấp thụ nhanh...

Quan điểm của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả; nguồn lực đưa ra có khả năng hấp thụ nhanh...

Trong khi đó, một trong những quan điểm của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là: “Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải khả thi, triển khai ngay, kịp thời, hiệu quả; nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh; trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thì thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn”. Thực tế triển khai thời gian qua cũng cho thấy, chính sách càng làm chậm thì càng kém hiệu quả và ngược lại.

Hay nói cách khác, việc thực thi các chính sách vẫn chưa đảm bảo tính kịp thời, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn dù Chính phủ đã có đến 3 công điện thúc đẩy và liên tục họp với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn.

Để giải quyết việc này, nên chăng cần hình thành các tổ công tác liên ngành với cơ chế phối hợp chặt chẽ, có thẩm quyền quyết định nhất định để giải quyết ngay các vấn đề phát sinh chứ không chỉ là tiếp nhận, theo dõi và báo cáo lên các cấp bộ, ngành rồi chờ đợi.

Về hội nhập, theo ông Hiếu, chúng ta đã có những bước tiến tích cực trong quá trình này song vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện tốt hơn. Đơn cử, tình trạng xuất khẩu nông sản theo tiểu ngạch gây khó khăn, thiệt thòi cho nông dân và DN mà bao lâu nay vẫn chưa thể giải quyết.

Bên cạnh đó, nhiều DN nhỏ, hộ kinh doanh của Việt Nam vẫn đứng ngoài sân chơi hội nhập. Sản phẩm của họ không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu nên giá trị gia tăng thấp. Chúng ta đã có nhiều chương trình tuyên truyền, xúc tiến nhưng dường như DN nhỏ, hộ kinh doanh vẫn chưa nắm bắt và hiểu cặn kẽ đòi hỏi của thị trường.

Cần có cơ chế để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các DN lớn với doanh nhiệp nhỏ, để DN lớn thúc đẩy DN nhỏ cùng tham gia vào chuỗi liên kết nhằm tạo ra sản phẩm có thể đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu và cùng hưởng lợi.

Mặt khác, để nền kinh tế có thể đi nhanh, đi xa hơn trong quá trình hội nhập, điều kiện tiên quyết vẫn là sự nỗ lực của chính DN, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tự đổi mới sáng tạo, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.

“Nếu Chính phủ và các cấp thực thi tích cực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, DN chủ động thay đổi về mọi mặt theo hướng kinh doanh có trách nhiệm và hướng đến phát triển bền vững thì các chiến lược phát triển mới phát huy tối đa hiệu quả để đưa nền kinh tế và đất nước vượt qua các khó khăn, thách thức và bước lên một chặng đường phát triển mới bền vững hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục