![]() |
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Ảnh: Nam An |
Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày, Dự thảo Luật đã bám sát 4 chính sách được Chính phủ nhất trí tại Nghị quyết 240/NQ-CP, gồm: thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu rõ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); nhất trí với tên gọi Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân (Chương IV, từ Điều 28 đến Điều 43), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu. Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu phải được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, trong đó có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam; Chính phủ quy định cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định.