Trung Quốc sẽ hỗ trợ kỹ thuật nhiều dự án đường sắt Việt Nam
Sáng 15/4, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh ký với đối tác Trung Quốc thỏa thuận hỗ trợ lập Báo cáo khả thi Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và lập quy hoạch một số tuyến đường sắt khác.
![]() |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc |
Nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh đã ký kết 7 văn kiện quan trọng trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ với các đối tác Trung Quốc, trong đó có 2 văn kiện là điều ước quốc tế cấp Chính phủ, 2 thỏa thuận về vốn ODA giữa Chính phủ hai nước và 3 thỏa thuận cấp bộ.
Trong lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Trần Hồng Minh ký 2 văn kiện gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về việc thành lập Ủy ban Liên hợp hợp tác đường sắt Việt - Trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; Biên bản làm việc giữa Bộ Xây dựng và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về khảo sát thực địa hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Hai công thư được ký về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và công thư về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Dịp này, Bộ Xây dựng đã tích cực thúc đẩy phía Trung Quốc thống nhất, hoàn tất thủ tục trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là văn kiện có ý nghĩa, tạo cơ sở cho các cơ quan liên quan của hai nước cùng phối hợp thúc đẩy các thủ tục nội bộ để sớm khởi công dự án.
Trong lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh ký 3 văn kiện, bao gồm: Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về việc cùng xây dựng công trình giao thông qua biên giới khu vực cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc; Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước về việc đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và Thiên Bảo cho nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng để xây dựng công trình giao thông qua biên giới khu vực hai cửa khẩu và Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật đường bộ giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Giao thông Trung Quốc.
Bộ Xây dựng báo cáo kế hoạch thông xe 5 tuyến cao tốc dịp 30/4
Có 5 tuyến cao tốc đã được Bộ Xây dựng lên kế hoạch thông xe chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Những mét thảm bê tông nhựa lớp cuối cùng ở Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh được các nhà thầu triển khai, bảo đảm thời gian thông xe, đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30/4 |
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ danh sách 5 dự án dự kiến khánh thành, thông xe nhân dịp kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
5 dự án bao gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi do Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài hơn 35 km qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4, đưa vào khai thác tuyến chính vào ngày 28/4.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài hơn 54 km qua tỉnh Hà Tĩnh sẽ được thông xe kỹ thuật toàn bộ ngày 19/4, đưa vào khai thác tuyến chính vào ngày 28/4.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh qua tỉnh Quảng Bình do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài gần 49 km sẽ được thông xe kỹ thuật vào ngày 19/4, đưa vào khai thác tuyến chính vào ngày 28/4.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài hơn 83 km qua tỉnh Khánh Hòa sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng khoảng 70 km vào ngày 19/4.
Bên cạnh 4 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư sẽ có hơn 18 km thông xe kỹ thuật ngày 18/4 trước khi đưa vào khai thác tuyến chính vào ngày 28/4.
Ngoài 5 dự án đường bộ cao tốc nói trên, trong dịp kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành hợp long cầu chính cầu Rạch Miễu tại vị trí 2 trụ tháp P19 và P20. Đây là công trình do Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Đề xuất miễn tiếp thuế đất nông nghiệp tới 2030
Chính phủ cho rằng, việc miễn tiếp thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, giúp đảm bảo an ninh lương thực, tăng cạnh tranh của Việt Nam.
![]() |
Đề xuất miễn tiếp thuế đất nông nghiệp tới 2030 |
Sáng 15/4, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Miễn thuế đất nông nghiệp được Nhà nước duy trì trong 20 năm qua và sẽ hết hạn vào cuối 2025. Ở lần trình này, Chính phủ đề nghị kéo dài thực hiện chính sách này tới 2030, tức thêm 5 năm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2001 - 2010 trung bình khoảng 3.268 tỷ đồng một năm và tăng dần lên 7.500 tỷ đồng trong 3 năm gần đây. Chính sách này khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Miễn giảm thuế này cũng giúp tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp tới 2030 là cần thiết, nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Theo ông Mãi, giai đoạn vừa qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp để thiết kế chính sách miễn giảm thuế "trúng đích" hơn, thúc đẩy sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực.
Cuối phiên thảo luận, Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9, khai mạc đầu tháng 5.
Bỏ mô hình thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố
Thủ tướng quyết định bỏ mô hình thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thị xã, quận, huyện, thị trấn.
![]() |
Một góc thành phố Thủ Đức, TP.HCM |
Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Hiện cả nước có 84 thành phố trực thuộc tỉnh, 53 thị xã và hai thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Thủ Đức và Thủy Nguyên). Tất cả đều được xác định là đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Quyết định của Thủ tướng nêu cấp xã sau sáp nhập phải đảm bảo gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt nhất. Đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập các phường sẽ là phường; sáp nhập các xã, thị trấn sẽ là xã.
Các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay sẽ chuyển thành cấp xã, mang tên gọi đặc khu. 11 huyện đảo trên cả nước sẽ trở thành đặc khu thuộc tỉnh, gồm Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo. Riêng thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) có thể hình thành hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu do cấp có thẩm quyền đã đồng ý tách xã Thổ Châu thành một huyện riêng.
Việc sáp nhập các xã làm thay đổi địa giới hành chính huyện sẽ không cần xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn. Các xã có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia sẽ không bắt buộc sáp nhập. Sau sáp nhập, số lượng cấp xã dự kiến giảm từ 60 - 70%, nhưng vẫn đảm bảo sự hợp lý về diện tích và quy mô dân số giữa các đơn vị hành chính mới.
Đề án cũng nêu các nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính, ngoài tiêu chí diện tích và dân số, cần cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng lưu ý mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy vai trò của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính ở miền núi, đồng bằng và ven biển, đồng thời kết hợp hài hòa các đơn vị liền kề để hỗ trợ phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Ba giai đoạn chuẩn bị khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Để khởi công Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cuối năm 2026, Bộ Xây dựng lên kế hoạch 3 giai đoạn gồm lập báo cáo khả thi, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu.
![]() |
Bộ Xây dựng lên kế hoạch ba giai đoạn chuẩn bị khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Trong báo cáo gửi Chính phủ tuần trước, Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về khởi công Dự án đường sắt tốc độ cao vào cuối năm 2026, Bộ đã lập kế hoạch chuẩn bị Dự án với 3 giai đoạn.
Giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, gồm lập hồ sơ mời thầu các gói thầu tư vấn lập báo cáo, tư vấn giám sát, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến hoàn thành công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ nay đến tháng 9/2026.
Giai đoạn giải phóng mặt bằng gồm bàn giao cọc, công tác kiểm đếm, lên phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xây dựng khu tái định dự kiến thực hiện từ năm 2025 đến tháng 6/2028.
Giai đoạn chuẩn bị triển khai Dự án bao gồm lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình từ tháng 10/2026 đến tháng 12/2026.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bổ sung một số cơ chế, trong đó cho phép lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu với một số hạng mục công việc của Dự án.
Ngoài ra, trước ngày 30/4, Bộ Xây dựng sẽ phải hoàn thành dự thảo Nghị định về nội dung, yêu cầu khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật tổng thể; nghĩa vụ, quyền hạn của các bên tham gia thực hiện hợp đồng theo hình thức hợp đồng EPC (chủ đầu tư, nhà thầu/tổng thầu EPC, tư vấn giám sát...).
Bộ cũng sẽ xây dựng dự thảo Nghị định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.
Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường sắt tốc độ cao để xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, trình Thủ tướng phê duyệt.
Liên quan đến nhiệm vụ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại các ga đường sắt, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao các địa phương rà soát quy hoạch ga đường sắt để triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD, hoàn thành trong tháng 12/2025.
Các địa phương được đề xuất bố trí vốn ngân sách địa phương để bồi thường hỗ trợ tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quỹ đất để phát triển đô thị.
Hậu Giang đứng đầu cả nước về chỉ số thủ tục hành chính công
Với 7,59 trên thang điểm 10, Hậu Giang đứng đầu cả nước về chỉ số thủ tục hành chính công năm 2024, Quảng Bình đứng cuối bảng, theo báo cáo của UNDP.
![]() |
Loạt nông cụ từng được nông dân miền Tây dùng làm lúa hàng trăm năm được trưng bày tại triển lãm Con đường lúa gạo ở TP. Vị Thanh, Hậu Giang |
Sáng 15/4, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2024 (PAPI 2024). PAPI đo lường 8 chỉ số thành phần, trong đó bộ chỉ số thủ tục hành chính công dựa trên đánh giá của người dân theo ba yếu tố: dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã.
Đối với chỉ số thủ tục hành chính công, báo cáo chia 63 tỉnh, thành phố thành 4 nhóm theo thang điểm 10, nhóm cao 7,38 - 7,59 điểm; trung bình cao 7,23 - 7,36; trung bình thấp 7,11 - 7,22 và thấp 6,62 - 7,08.
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia UNDP, đại diện nhóm nghiên cứu nói kết quả năm nay cho thấy hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính công của các tỉnh, thành phố có dấu hiệu chững lại so với năm trước. Nếu điểm số của các địa phương trong năm 2023 dao động 6,68 - 7,64 thì năm 2024 chỉ đạt từ 6,62 - 7,59. 44 địa phương không có mức thay đổi nào.
Đứng đầu bảng xếp hạng năm 2024 là Hậu Giang, đạt 7,59 điểm, cách đây một năm tỉnh này mới đạt 7,12 điểm. Bạc Liêu năm 2023 đứng đầu với chỉ số 7,63 thì năm sau đã rời khỏi top 5 khi chỉ đạt 7,33. Trong top 5 còn có Bắc Ninh, Bình Thuận và Tây Ninh.
Trong 6 thành phố trực thuộc trung ương, cao nhất là Đà Nẵng 7,38, Huế 7,18, Hà Nội 7,12 điểm. TP.HCM giảm từ 7,05 điểm năm 2024 xuống còn 6,92.
5 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Bình và Huế ghi nhận mức suy giảm điểm đáng kể (hơn 5%) so với năm 2021.
Quảng Bình đạt chỉ số thủ tục hành chính công thấp nhất (6,62), một năm trước vị trí này thuộc về Phú Yên. Năm nay Phú Yên không đứng cuối cùng nhưng chỉ số cải thiện không đáng kể, chỉ đạt 6,75 điểm.
Báo cáo PAPI 2024 ghi nhận 9 tỉnh thành cải thiện so với năm 2021. Bà Rịa - Vũng Tàu và Đăk Lăk có mức gia tăng cao nhất, lần lượt 11,8% và 9,2% điểm.
Vietnam Airlines dành hơn 3.200 chuyến bay phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Vietnam Airlines lên kế hoạch tăng tải tập trung trên các đường bay trục và du lịch trọng điểm như giữa Hà Nội, TP.HCM và các điểm đến du lịch.
![]() |
Vietnam Airlines Group cung ứng hơn nửa triệu chỗ bay trong dịp lễ 30/4-1/5. |
Thông tin từ Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, hướng tới kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng hơn 610.000 chỗ, tương đương hơn 3.200 chuyến bay nội địa, tăng lần lượt 35% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, việc tăng tải tập trung trên các đường bay trục và du lịch trọng điểm như: giữa Hà Nội, TP.HCM và các điểm đến nổi bật gồm: Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc, Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Pleiku, Chu Lai, Đồng Hới… nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao trong dịp lễ lớn. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy chuyến bay trên một số đường đạt 70 - 80%.
Cao tốc qua Bà Rịa - Vũng Tàu thông xe kỹ thuật ngày 19/4
Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 19,5 km sẽ thông xe kỹ thuật ngày 19/4 và dự kiến đưa vào khai thác vào tháng 9.
![]() |
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn TP. Phú Mỹ |
Thông tin được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu tại cuộc họp về tiến độ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Lễ thông xe kỹ thuật dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn một, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, diễn ra vào ngày 19/4. Tuyến đường dài 19,5 km, điểm đầu tại TP. Phú Mỹ (giáp ranh tỉnh Đồng Nai), kết thúc tại vòng xoay Quốc lộ 56, TP. Bà Rịa.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đoạn 3; Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đoạn hai dài 18,2 km; tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư đoạn còn lại 16 km.
Theo chủ đầu tư, đoạn cao tốc hiện sản lượng thi công đạt gần 90%, phần mặt đường đã được thảm nhựa lớp trên cùng; dải phân cách, sơn phân làn, lắp đặt hệ thống biển báo.
Các cầu chính trên tuyến như suối Nhum, cầu vượt Hội Bài - Châu Pha, suối Đá, sông Dinh đã hoàn thành. Các cầu vượt ngang cao tốc đang tiến hành công tác lao dầm...