Ban Chấp hành Trung ương thống nhất, cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố sau sáp nhập

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất cao các chủ trương tổ chức chính quyền địa phương gồm cấp tỉnh và cấp xã. Sau sáp nhập, cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 60 - 70% số xã.
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Ảnh: Đoàn Bắc
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11. Ảnh: Đoàn Bắc

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chiều 12/4, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các tờ trình và đề án.

Chủ trương kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) cũng đã được Trung ương thống nhất.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao với chủ trương sau sáp nhập, đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng so với hiện nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: Đăng Khoa

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: Đăng Khoa

Ban Chấp hành Trung ương cũng đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.

Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn.

Cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp, phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại tờ trình và đề án của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hội nghị Trung ương nhất trí cao chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện.

Định hướng được thống nhất là xác lập hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp là: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực (hệ thống tòa án và viện kiểm sát quân sự giữ nguyên mô hình hiện nay).

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhiệm vụ này cần bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6 và có hiệu lực từ ngày 1/7.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: Đăng Khoa
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 11. Ảnh: Đăng Khoa

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với kế hoạch, lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp triển khai chặt chẽ, có hiệu quả các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế.

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, cần tập trung cao độ để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, phấn đấu ngay trong năm 2025 phải tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

"Xây dựng, ban hành pháp luật, cơ chế chính sách phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, theo sát tình hình thực tiễn và tính đặc thù của cuộc cách mạng về cơ cấu tổ chức, không để tình trạng chờ luật, chờ cơ chế dẫn đến chậm trễ, mất cơ hội", Tổng Bí thư yêu cầu.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí thấp; xử lý triệt để các "điểm nghẽn" về thể chế để biến thành nguồn lực, lợi thế cạnh tranh, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu về cải cách hành chính, khởi nghiệp sáng tạo để có thể tiến kịp, đi cùng, vượt lên cùng các nước đi trước.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế, trong đó chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân; đẩy nhanh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Tin cùng chuyên mục