Bản tin thời sự sáng 7/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 700.000 tỷ tiền gửi chảy vào ngân hàng chỉ trong 3 tháng; Tổ máy 1 Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng có thể hòa lưới trong tháng 8; ngân hàng rao bán hàng loạt bất động sản ở phố cổ Hội An…

Hơn 700.000 tỷ tiền gửi chảy vào ngân hàng chỉ trong 3 tháng

Hoạt động huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng đã ghi nhận bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2025, với nhịp tăng rõ rệt trong quý II.

Chỉ riêng trong quý II, các tổ chức tín dụng đã thu hút thêm hơn 700.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi

Chỉ riêng trong quý II, các tổ chức tín dụng đã thu hút thêm hơn 700.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi

Báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho thấy, đến ngày 26/6, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã tăng 6,11% so với cuối năm 2024.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 12/2024 đã tăng hơn 9% so với năm 2023, đạt 14,732 triệu tỷ đồng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, người dân, doanh nghiệp đã tiếp tục gửi vào các ngân hàng khoảng 900.400 tỷ đồng tiền gửi.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý I, mức tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 1,36%, tương ứng mức tăng ròng hơn 200.000 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm.

Như vậy, chỉ riêng quý II, các tổ chức tín dụng đã thu hút thêm hơn 700.000 tỷ đồng tiền gửi từ nền kinh tế, tương đương khoảng 7.800 tỷ đồng mỗi ngày, cho thấy dòng tiền gửi quý II tìm đến kênh ngân hàng đạt tốc độ cao hơn và quy mô lớn hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, NHNN cho biết vẫn kiên định giữ nguyên mặt bằng lãi suất, đồng thời thúc đẩy hàng loạt giải pháp hỗ trợ tín dụng, định hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và các nhóm ngành ưu tiên.

Số liệu của nhà điều hành cũng cho thấy, tính đến tháng 5, lãi suất tiền gửi bình quân tại các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,2 - 4%/năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng; 4,5 - 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng; 4,8 - 6%/năm với kỳ hạn 12 - 24 tháng; và cao nhất là 6,9 - 7,1%/năm cho các khoản tiền gửi trên 24 tháng.

Tổ máy 1 Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng có thể hòa lưới trong tháng 8

Tổ máy số 1 Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có thể hòa lưới điện quốc gia vào dịp 19/8, theo Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương.

Rotor tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình mở rộng đang chuẩn bị được hạ đặt, ngày 6/7

Rotor tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình mở rộng đang chuẩn bị được hạ đặt, ngày 6/7

Ngày 6/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ban Quản lý dự án Điện 1 tổ chức hạ đặt thành công Rotor Tổ máy số 1 của Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Rotor có trọng lượng khoảng 585 tấn, là phần quay của máy phát. Việc hạ đặt thiết bị này là bước quan trọng trong chuỗi các công đoạn lắp đặt Tổ máy.

Theo ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc EVN, sau khi lắp đặt thành công Rotor, nhà thầu sẽ triển khai các hạng mục tiếp theo, gồm lắp đặt cơ điện, thử nghiệm và vận hành Tổ máy.

"Dự kiến, Tổ máy số 1 sẽ hòa lưới điện quốc gia vào dịp 19/8, theo chỉ đạo của Thủ tướng", ông Phương cho biết.

Hiện khối lượng xây dựng của Dự án đạt khoảng 90%. Theo Phó tổng EVN, sau khi Rotor Tổ máy số 1 được hạ đặt, các nhà thầu sẽ tiếp tục lắp dựng Rotor Tổ máy số 2. Dự kiến, Tổ máy số 2 sẽ được hòa lưới điện vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng. Đây là công trình quan trọng quốc gia, được Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư vào 2018. EVN là chủ đầu tư Dự án.

Dự án khởi công từ tháng 1/2021, theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hai cơn bão vào tháng 10/2021, kết hợp với gió mùa gây mưa lớn kéo dài nhiều ngày, gây sự cố sạt trượt tại khu vực thi công đào hố móng và hầm phụ của Dự án. Sự cố này buộc EVN, các nhà thầu phải dừng thi công dự án trong 11 tháng để rà soát, đánh giá và khắc phục.

Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Dự án được phép thi công trở lại từ tháng 10/2022. EVN đã đẩy tiến độ để đảm bảo các mốc thời gian theo kế hoạch.

Theo thiết kế, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng khi vận hành sẽ bổ sung cho hệ thống điện gần 500 triệu kWh mỗi năm, giúp tăng khả năng huy động điện cho khu vực miền Bắc. Dự án cũng tận dụng tối đa lượng nước xả thừa trong mùa lũ của nhà máy hiện hữu để phát điện, giúp giảm tải cho các tổ máy cũ.

Ngân hàng rao bán hàng loạt bất động sản ở phố cổ Hội An

Hàng loạt ngôi nhà ở phố cổ Hội An, Đà Nẵng, được ngân hàng rao bán để thu hồi nợ xấu của các doanh nghiệp, cá nhân. Các bất động sản có giá từ khoảng 8 tỷ đồng đến gần 52 tỷ đồng.

Khu nhà đất tại số 2A Nguyễn Huệ, phường Hội An, được rao bán đấu giá

Khu nhà đất tại số 2A Nguyễn Huệ, phường Hội An, được rao bán đấu giá

Từ đầu tháng 7, Agribank liên tiếp thông báo bán đấu giá tài sản với gần 30 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các phường Hội An và Hội An Đông, thành phố Đà Nẵng.

Các tài sản bán đấu giá gồm khu nhà tại số 2A đường Nguyễn Huệ, có diện tích hơn 124 m2; 2 bất động sản tại khu đất số 45/39 đường Trần Hưng Đạo, diện tích sử dụng gần 84 m2 và 139 m2; bất động sản tại H23/11 hẻm 49 đường Trần Hưng Đạo, diện tích hơn 161 m2.

4 bất động sản này đều ở phường Hội An, được ngân hàng rao bán đấu giá với giá khởi điểm gần 51 tỷ đồng.

Các bất động sản tại số 45/21 (diện tích hơn 245 m2); 45/23 (diện tích gần 130 m2), 45/25 (diện tích gần 110 m2) đường Trần Hưng Đạo, phường Hội An được đấu giá với giá khởi điểm hơn 46 tỷ đồng.

Tài sản lớn nhất trong đợt bán đấu giá lần này của Agribank là bất động sản tại khối Ngọc Thành, phường Hội An, có diện tích gần 767 m2, giá khởi điểm gần 52 tỷ đồng.

Các tài sản còn lại dao động 90 - 200 m2, giá 8 - 36 tỷ đồng. Những tài sản này được dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của một loạt công ty.

Tháng 4 vừa qua, một số tài sản nêu trên cũng được mang ra rao bán nhưng không thành công. Được biết, tổng giá trị khởi điểm đấu giá của gần 30 tài sản nêu trên hơn 300 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng dư nợ của các doanh nghiệp đã vay ngân hàng.

Yêu cầu rà soát hóa đơn tiền điện tăng bất thường

EVN yêu cầu các tổng công ty điện lực chỉ đạo công ty điện lực rà soát các trường hợp khách hàng có sản lượng điện năng hoặc số tiền thanh toán tăng bất thường trong kỳ tháng 6.

EVN yêu cầu các tổng công ty, công ty Điện lực rà soát từng trường hợp khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng vọt

EVN yêu cầu các tổng công ty, công ty Điện lực rà soát từng trường hợp khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng vọt

Vài ngày trở lại đây, nhiều hộ gia đình phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 6 cao đột biến, thậm chí gấp đôi tháng trước đó.

Trước thực tế này, EVN vừa có văn bản yêu cầu các tổng công ty điện lực chỉ đạo công ty điện lực nghiêm túc rà soát những trường hợp khách hàng có sản lượng điện năng hoặc số tiền thanh toán tăng bất thường trong tháng 6.

Đặc biệt, EVN yêu cầu các tổng công ty, công ty điện lực phải kịp thời cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng cho khách hàng; đồng thời tuyên truyền rõ cách tính tiền điện tháng 6, những thay đổi trong phát hành hóa đơn, quản lý hợp đồng và thu tiền điện trước và sau thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính.

Các đơn vị cũng được yêu cầu cung cấp thông tin về giải pháp giám sát chỉ số điện năng hàng ngày/hàng tháng qua App/Web chăm sóc khách hàng và hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả...

EVN giao lãnh đạo tổng công ty điện lực, giám đốc công ty điện lực trực tiếp chỉ đạo, trao đổi với khách hàng hoặc cử cán bộ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng giải đáp kiến nghị của khách hàng khi tiếp nhận phản ánh về hóa đơn tăng bất thường.

Giám đốc các công ty điện lực chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết kiến nghị của khách hàng.

Liên quan đến phản ánh của người dân về tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng đột biến, mới đây Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) lý giải do lượng điện năng tiêu thụ tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán lẻ điện tăng từ ngày 10/5. Đặc biệt, kỳ nghỉ hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng, dẫn đến thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm làm tổng số tiền điện tháng 6 các hộ dân phải trả cao hơn so với tháng trước.

Theo ghi nhận của EVNNPC, trong tháng 6, sản lượng điện thương phẩm tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc (không bao gồm Hà Nội) đạt 9,85 tỷ kWh - mức rất cao. Đặc biệt, ngày 2/6, sản lượng tiêu thụ điện lập kỷ lục với 373,6 triệu kWh trong một ngày.

TP.HCM xây mới cầu sắt hơn 50 năm tuổi ở cửa ngõ phía Nam

Cầu Rạch Tôm ở Nhà Bè sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp, sẽ được xây mới với tổng vốn gần 500 tỷ đồng nhằm đảm bảo an toàn, tăng kết nối khu Nam.

Hiện trạng cầu sắt Rạch Tôm

Hiện trạng cầu sắt Rạch Tôm

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư), công trình dự kiến khởi công trong tháng 7 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Cầu Rạch Tôm bắc qua tuyến rạch cùng tên, là công trình giao thông trọng điểm trên đường Lê Văn Lương giúp kết nối khu Nam TP.HCM với tỉnh Tây Ninh mới (trước là Long An).

Công trình có tổng chiều dài 684 m, trong đó phần cầu dài 173 m, rộng 15 m, còn lại là đường dẫn hai đầu. Tổng mức đầu tư Dự án gần 500 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó hơn 140 tỷ đồng cho xây dựng, 226 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, còn lại chi phí cho tư vấn, dự phòng...

Trước đó, từ năm 2024 toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở Dự án được Chủ đầu tư giải ngân cho huyện Nhà Bè cũ. Đến nay, 83 trong số 111 trường hợp bị ảnh hưởng đồng ý nhận tiền đền bù. Hiện, nhiều đoạn mặt bằng được địa phương bàn giao cho đơn vị thi công, dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ hoàn thành toàn bộ phần còn lại.

Dự án cầu nằm trong kế hoạch của TP.HCM nhằm thay thế 4 cầu sắt trên trục Lê Văn Lương, gồm: Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Những cầu này xây từ trước năm 1975, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Trong số này, cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa được xây mới và khai thác năm 2023 và 2024.

Ngoài cầu Rạch Tôm chuẩn bị khởi công, cầu còn lại Rạch Dơi đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 781 tỷ đồng. Công trình đang chờ hoàn tất các thủ tục để triển khai, tạo đồng bộ mạng lưới giao thông trên tuyến.

Đà Nẵng quy hoạch khu đô thị hơn 2.800 ha quanh núi

Phân khu đô thị Sườn Đồi được định hướng phát triển khu đô thị mới quanh núi Dương Ba Làng, có cả tổ hợp phi thuế quan, trung tâm logistics.

Phối cảnh phân khu đô thị Sườn Đồi

Phối cảnh phân khu đô thị Sườn Đồi

UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sườn Đồi tỷ lệ 1/2000 với quy mô hơn 2.800 ha, thuộc địa bàn hai xã Bà Nà và Hòa Vang, phường Hòa Khánh.

Ranh giới quy hoạch giáp đường tránh Nam Hải Vân, đường tỉnh 602 và sông Túy Loan. Phân khu được tổ chức thành 11 đơn vị ở và ba khu chức năng nằm ngoài khu dân cư. Một khu vực lõi trung tâm chủ yếu là rừng và các khu dân cư hiện hữu.

Phân khu được định hướng là khu đô thị mới ưu tiên phát triển du lịch, thương mại dịch vụ kết hợp ở, phân bổ quanh núi Dương Ba Làng. Một số loại hình nhà ở dự kiến phát triển gồm biệt thự sườn đồi, tòa nhà cao tầng, nhà ở xã hội, nhà tái định cư.

Về tổ chức không gian kiến trúc, núi Dương Ba Làng là trung tâm, bao quanh bởi một số công viên gắn với hồ hiện trạng. Các khu nhà ở và thương mại dịch vụ cao tầng sẽ bố trí ở phía nam, còn phía đông phát triển mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) gần ga đường sắt quy hoạch. Khu nhà ở thấp tầng gồm biệt thự ven đồi, nhà liền kề được bố trí quanh hồ ở phía tây nam.

Ngoài ra, phân khu này còn có ba khu chức năng gần đường Hoàng Văn Thái gồm tổ hợp phi thuế quan (hơn 157 ha), trung tâm thể dục thể thao (trên 202 ha) và cảng cạn kết hợp trung tâm logistics (gần 71 ha). Đây cũng là ba hạng mục được ưu tiên đầu tư tại phân khu đô thị Sườn Đồi.

Quy mô dân số cả phân khu hơn 194.000 người, trong đó dân số chính thức đến 2030 khoảng 95.000 người, dân số vãng lai 45.000 người. Sau 2030, khu đô thị sẽ đón thêm hơn 54.000 người.

Quảng Ngãi xây cầu mới thay thế cầu tràn Thạch Nham

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến chi 350 tỷ đồng xây cầu mới thay cầu tràn Thạch Nham - thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ, từng khiến nhiều người tử vong do nước cuốn.

Vị trí xây dựng cầu Thạch Nham mới

Vị trí xây dựng cầu Thạch Nham mới

Thông tin được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết ngày 5/7. Dự án cầu Thạch Nham đã được bổ sung vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và dự kiến khởi công vào năm 2026, sau khi người dân hai bên cầu kiến nghị Tỉnh từ năm 2024.

Cầu mới sẽ nằm trên tuyến ĐT 623B (Quảng Ngãi - Thạch Nham), đoạn qua đập thủy lợi Thạch Nham, cách cầu cũ khoảng 500 m về phía hạ lưu. Dự án có tổng chiều dài hơn 2,3 km, gồm cầu dài 450 m, rộng 12 m có lan can bảo vệ; đường dẫn hai đầu dài hơn 1,8 km, rộng 9 m. Tuyến sẽ được chỉnh thẳng, loại bỏ các khúc cua gấp và rút ngắn chiều dài.

Cầu tràn Thạch Nham được xây dựng cách đây 30 năm, thuộc công trình đầu mối hạ lưu sông Trà Khúc. Trước kia, cầu kết nối huyện Tư Nghĩa và Sơn Hà, nay là xã Trà Giang và Sơn Hạ sau sáp nhập.

Đây là tuyến huyết mạch nối đồng bằng với miền núi Quảng Ngãi, lưu lượng người qua lại đông. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, cầu thường xuyên ngập sâu, chính quyền địa phương phải đặt biển cấm và barie chắn. Dù vậy, nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, vượt qua để tránh đi đường vòng dài 25 km. Nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra do nước lũ cuốn trôi.

Tin cùng chuyên mục