Bị cáo Phạm Công Danh và các bị cáo khác đã bị đưa xét xử vì đã gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng |
Đưa ra xét xử 2 đại án kinh tế tại VNBC và Agribank
Vào tháng 10 vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương đã có cuộc họp và ghi nhận nhiều nội dung quan trọng về phòng, chống tham nhũng được các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Trong đó có việc Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đưa vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Nhất là, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm đã khởi tố 3 vụ án hình sự, kiến nghị điều tra làm rõ 10 nhóm hành vi của những người liên quan; đã quyết định tịch thu 6.577 tỷ đồng (đạt 72% số tiền thiệt hại), là số tiền đặc biệt lớn.
Cuối tháng 12/2016, TAND cấp cao tại TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Đây là vụ án phức tạp và quy mô thiệt hại rất lớn. Trong giai đoạn 1 của vụ án, 36 bị cáo đã bị đưa ra xét xử vì đã gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng (VNBC), bao gồm 63 tỷ đồng do làm khống hồ sơ Corebanking, 581 tỷ đồng làm khống hồ sơ thuê trụ sở, 5.190 tỷ đồng rút tiền không có chữ ký của chủ tài khoản, 300 tỷ đồng cho vay không có hồ sơ, 903 tỷ đồng ủy thác đầu tư trái phiếu và 2.096 tỷ đồng lập công ty giả nâng khống tài sản bảo đảm để vay vốn.
Cơ quan điều tra đã kê biên nhiều tài sản, tiền của bị cáo Phạm Công Danh cũng như 37 bất động sản và 124 sổ tiết kiệm khiến cho việc thu hồi tài sản đã có kết quả tích cực, khắc phục hơn 70% thiệt hại. Dù vậy, giai đoạn 2 của vụ án vẫn phải chờ. HĐXX sơ thẩm đã công bố 3 quyết định khởi tố vụ án ngay tại Tòa và chắc chắn quá trình điều tra mở rộng sẽ làm rõ thêm nhiều vi phạm khác.
Trong khi đó, ở Hà Nội, đầu năm 2016, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án nghiêm trọng xảy ra tại Chi nhánh Nam Hà Nội của Ngân hàng Agribank với thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng. Chi nhánh Nam Hà Nội đã cho Liên doanh Lifepro vay vốn trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Theo bản án sơ thẩm, Công ty CP Enzo Việt thành lập tháng 7/2007. Năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam.
Thông qua hai công ty ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho Dự án là Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty CP Vietmade (cùng do Lê Minh Hiếu làm Giám đốc), các đối tượng đã tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang nhằm vay tiền của Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội. Hậu quả là Agribank bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền gần 2.500 tỷ đồng.
Để xảy ra hậu quả trên là do một số cán bộ Agribank đã lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam không có căn cứ, thẩm định hồ sơ và bỏ qua các điều kiện giải ngân, cho vay. Tương tự, 4 công chức hải quan đã không tuân thủ đúng các quy định thông quan hàng hóa, dù trên hồ sơ giấy tờ thể hiện doanh nghiệp đang nợ thuế quá hạn nhưng các cán bộ hải quan vẫn cho thông quan.
Và trong những ngày cuối tháng 12/2016, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Bản án đã được tuyên và có hiệu lực ngay lập tức, khép lại giai đoạn xét xử.
Kết thúc giai đoạn điều tra sai phạm tại Oceanbank
Một vụ án nghiêm trọng khác xảy ra tại Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) đã kết thúc giai đoạn điều tra. Cơ quan công tố đã ban hành cáo trạng. Theo đó, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Cơ quan tố tụng xác định, bị can Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính và liên đới với các bị can khác về số tiền 1.576 tỷ đồng do Oceanbank chi lãi ngoài, đồng thời, phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền hơn 100 tỷ đồng sử dụng cá nhân.
Không dừng lại ở đây, một số vụ án nghiêm trọng khác cũng đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương thống nhất chủ trương đưa ra xét xử vào cuối năm 2016 và quý I/2017. Điển hình như, vụ án đưa nhận hối lộ ở Tổng công ty Tàu thủy Vinawaco; vụ án xảy ra tại Công ty CP Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin; giai đoạn 2 của vụ án Huyền Như…
Thay đổi để tạo đột phá trong phòng, chống tham nhũng
Nhìn chung, các vụ án kinh tế đều rất phức tạp, hồ sơ tài liệu rất nhiều, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, đòi hỏi cơ quan chuyên môn phối hợp làm rõ. Do đó, việc sớm đưa ra xét xử các vụ án là nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra… Đồng thời, chú trọng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế luôn phức tạp và thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Mới đây, Chính phủ đã có Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận những kết quả phòng, chống tham nhũng trong năm 2016 nhưng cũng chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục nỗ lực để có thay đổi đột phá.
Đánh giá báo cáo này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi. Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào.