Rà soát thận trọng nguồn thu cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Quốc hội vừa nghe báo cáo của Chính phủ và thảo luận ở tổ về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nguồn thu ngân sách giai đoạn tới có thể sẽ bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng tới nguồn vốn cho đầu tư công, do đó cần khắc phục triệt để các tồn tại; một số quy trình đầu tư công liên quan tới công tác phòng, chống dịch bệnh cần được rút gọn lại.
Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức vốn ngân sách nhà nước là 2.870 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức vốn ngân sách nhà nước là 2.870 nghìn tỷ đồng.

Đề xuất 2,78 triệu tỷ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025

Sáng 24/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ĐTC theo hướng giảm tỷ trọng vốn ĐTC trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Dự kiến phương án phân bổ KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức vốn ngân sách nhà nước (NSNN) là 2.870 nghìn tỷ đồng.

Phương án bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016 - 2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án. Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (88 tỷ đồng/dự án).

Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Rà soát thận trọng nguồn thu để đảm bảo kế hoạch

Thẩm tra về KHĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) cho rằng, về tổng thế, vốn ĐTC dự kiến tăng 1,43 lần so với kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý, cần tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của Kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu NSNN thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Riêng về cơ cấu nguốn vốn, đa số ý kiến trong UBTCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 1.500/2.870 nghìn tỷ đồng để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần tính toán thận trọng hơn, tránh xây dựng kế hoạch quá cao so với khả năng cân đối nguồn lực NSTW.

Cho ý kiến thảo luận tại họp tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần nâng cao hiệu quả giải ngân vốn ĐTC. Phải tính toán đầu tư vào đâu để tạo động lực lớn nhất, tạo tính lan tỏa, đảm bảo tăng trưởng. Vốn ĐTC ưu tiên lần lượt cho các dự án: an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, cần gói đầu tư đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu này cho biết.

Quan tâm tới dịch bệnh Covid-19 còn những diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nguồn vốn cho ĐTC giai đoạn tới, đại biểu Phan Huỳnh Sơn (đoàn An Giang) nhấn mạnh, việc đưa ra phương án ĐTCTH phải thực chất, hiệu quả; đồng thời với một số danh mục đầu tư liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19 cần có quy trình rút gọn ĐTC để tránh trường hợp qua đại dịch, rà soát thì lại thấy vi phạm pháp luật…

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm, để huy động đủ vốn cho ĐTCTH giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ cần phải khắc phục được các tồn tại hạn chế trong ĐTC thời gian qua, nhất là khi nguồn vốn hạn chế thì đòi hỏi KHĐTCTH cần tiếp tục đổi mới, xây dựng một cách hiệu quả hơn.

Bà Yến đề nghị, Chính phủ, các bộ ngành trung ương quan tâm cân nhắc một số giải pháp để cải cách thể chế ĐTC theo hướng nâng cao chất lượng thể chế quản lý ĐTC, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ĐTC; khẩn trương rà soát sửa đổi những quy định của pháp luật về ĐTC còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật ĐTC và các nghị định hướng dẫn. Ngoài ra, thế chế hóa sâu hơn nữa việc trao quyền cho các bên liên quan, thực hiện cơ chế ngân sách trọn gói hoặc trợ cấp đối ứng trên nguyên tắc khuyến khích tinh thần tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm.

“Vốn ĐTC sẽ chỉ tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm quốc gia có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, liên địa phương” – bà Yến nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu quan điểm, Báo cáo của Chính phủ còn thiếu 2 nội dung trong KHĐTCT, một là thiếu phân bổ tổng vốn NSTW chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, cũng như dự kiến mức phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương và mức phân bổ có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách từng địa phương. Hai là, chưa xây dựng được danh mục dự án mới và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch.

Tin cùng chuyên mục