Rất ít dự án BOT mới được triển khai

(BĐT) -Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai.  
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Không đầu tư dự án BOT nâng cấp đường độc đạo

Sáng nay (15/8), tiếp tục phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bắt đầu tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 4 nghị quyết và 4 kết luận của UBTVQH về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 trên các lĩnh vực. Đây là lần đầu tiên Thường vụ Quốc hội thực hiện đánh giá, giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ tổng hợp tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIV về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Trong đó, về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 26/6/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH. Đến nay các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của nghị quyết đã được Chính phủ triển khai thực hiện đạt kết quả…

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, bảo đảm cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí sẽ thu phí không dừng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thực hiện nghiêm các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, hầu hết các dự án đều có giá trị quyết toán thấp hơn giá trị tổng mức đầu tư ban đầu.

Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cao tốc: Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, thúc đẩy tiến độ các đề án, dự án.

Sớm có phương án xử lý với dự án BOT hụt thu

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hệ thống quy định pháp luật và thực tế triển khai dự án BOT còn một số tồn tại, hạn chế: chi phí đầu tư xây dựng được lập chưa thực sự đáp ứng được nguyên tắc tính đúng, tính đủ và phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế. Hệ thống định mức, đơn giá chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ, thiếu thông tin đầy đủ về định mức và giá xây dựng theo cơ chế thị trường. Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng thu phí không đủ, phá vỡ mô hình tài chính của dự án gây khó khăn cho chủ đầu tư và các bên tài trợ vốn. Một số vướng mắc chưa được sửa đổi kịp thời; đến nay có rất ít dự án BOT mới được triển khai.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý phù hợp để giải quyết khó khăn đối với một số dự án sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính đã phê duyệt.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành sớm khắc phục, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Trong đó trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (tháng 10/2019). Chính phủ kiến nghị UBTVQH thường xuyên giám sát việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư; kịp thời cho ý kiến để giải quyết, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.