Reuters: Ngành sản xuất toàn cầu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu sụt giảm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các cuộc khảo sát kinh doanh trong tháng 5 do S&P Global thực hiện chỉ ra, nhu cầu toàn cầu sụt giảm đã làm suy yếu hoạt động sản xuất trên khắp châu Âu và Mỹ, đồng thời tạo ra thách thức lớn đối với nhiều nhà xuất khẩu của châu Á.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đã nằm dưới điểm hòa vốn, mặc dù các nhà máy đang liên tục giảm giá, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020.

Cụ thể, Chỉ số PMI của Eurozone đã giảm từ mức 45,8 điểm của tháng 4 xuống còn 44,8 điểm trong tháng 5. Con số này cao hơn so với ước tính trước đó là 44,6 điểm, nhưng vẫn thấp hơn mốc 50 điểm phân chia giữa tăng trưởng và suy giảm. Đây cũng là tháng thứ 11 liên tiếp chỉ số PMI hàng tháng của Eurozone nằm dưới ngưỡng 50.

"Từ đầu năm 2023, nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất ngày càng suy giảm, dẫn đến chỉ số PMI giảm theo. Tình trạng thiếu hụt đơn đặt hàng mới từ trong và ngoài nước báo hiệu sự sụt giảm sản lượng đầu ra của các nhà máy trong vài tháng tới", Nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia tại Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) nhận định và cho biết, sự suy giảm đang diễn ra trên diện rộng, trải dài ở bốn nền kinh tế lớn nhất của Eurozone là Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Tại Mỹ, Chỉ số PMI hàng tháng - do Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) đo lường - giảm từ 47,1 điểm trong tháng 4 xuống 46,9 điểm trong tháng 5. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm, mốc thời gian dài nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Theo Reuters, Chỉ số PMI thấp củng cố cho suy đoán của các nhà phân tích rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Tại châu Á, sự phục hồi sản xuất thể hiện qua Chỉ số PMI đang diễn ra không đồng đều.

"Kết quả khảo sát PMI cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn đang diễn ra trong tháng vừa qua, nhưng với tốc độ chậm hơn", Nhà phân tích Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics cho biết. Chỉ số PMI của Trung Quốc do Caixin/S&P Global đo lường đã tăng lên 50,9 điểm trong tháng 5, từ mức 49,5 điểm trong tháng 4.

Tương tự, Chỉ số PMI tháng 5 do Ngân hàng Jibun của Nhật Bản đo lường đã tăng lên 50,6 điểm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 10/2022, nhờ nhu cầu được nâng cao sau khi nền kinh tế Nhật Bản mở cửa trở lại sau đại dịch.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Chỉ số PMI tháng 5 ở mức 48,4 điểm, lần đầu tiên rơi vào giai đoạn giảm dài nhất trong 14 năm, do nhu cầu toàn cầu chậm lại gây ảnh hưởng đến sản lượng và đơn đặt hàng.

Các cuộc khảo sát khác cũng cho thấy Việt Nam và Malaysia đang chứng kiến hoạt động của các nhà máy bị thu hẹp, trong khi hoạt động sản xuất của Philippines được mở rộng.

Tin cùng chuyên mục