Tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã thu hút được 21,20 tỷ USD vốn FDI, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thơm |
“Thỏi nam châm” hút vốn ngoại
Thông tin về việc các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trên thế giới có mong muốn chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, trong sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn đang diễn ra, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Cùng với chính sách cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia, nhà đầu tư tới Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, kỳ vọng cuối năm 2020, đặc biệt là năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam và hiện thực hóa việc dịch chuyển của mình.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam được thể hiện rõ nét qua các hội nghị trực tuyến thu hút đầu tư. Mới đây, gần 500 doanh nghiệp thuộc hơn 80 Hiệp hội doanh nghiệp và Phòng thương mại của Singapore tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Singapore. Điều này thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Singapore tới Việt Nam. Đồng thời, hội thảo trực tuyến Việt Nam - Vương quốc Anh vừa được tổ chức cũng có gần 300 doanh nghiệp tại hai đầu cầu Việt Nam, Vương Quốc Anh tham dự. Trước đó, với hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký tham dự, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản trở thành hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến lớn nhất do Bộ KH&ĐT tổ chức từ trước đến nay, thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam... Đây là tín hiệu rất vui mừng và là động lực để Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới và tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì tính hấp dẫn, thông thoáng và tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Trước đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cũng tiết lộ, trong thời gian dịch Covid-19, đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm và đang đàm phán các dự án lớn tại Việt Nam, thậm chí có dự án “tỷ đô”.
Đại dịch không ngăn được nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á chia sẻ, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Ông Nirukt Sapru khẳng định: “Đại dịch Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam”.
Liên quan đến xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu Pier Giorgio Aliberti cho biết, EU luôn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng. Các lĩnh vực mà EU dành nguồn lực lớn để đầu tư là năng lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, đánh giá cao Việt Nam trong việc ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như tiến trình tích cực về cải thiện ngành năng lượng và ngành điện để hướng tới môi trường phát triển xanh hơn, sử dụng nguồn năng lượng sạch và tái tạo.
Được biết, cuối tháng 9 vừa qua, đại diện Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) đã có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam để xúc tiến Dự án Điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận. Ước tính tập đoàn này sẽ đầu tư 12 tỷ USD toàn bộ vòng đời Dự án. Bên cạnh đó, Tập đoàn PNE của Đức mới đây đã đề xuất Dự án Điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD...
Theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Tuy nhiên, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua vẫn tương đối khả quan, đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã thu hút được 21,20 tỷ USD vốn FDI, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kết quả thu hút FDI này vẫn thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Cùng với những lợi thế sẵn có và sự chuẩn bị tốt về mọi mặt để đón các nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng thời gian tới Việt Nam sẽ đón nhiều tin vui từ làn sóng đầu tư dịch chuyển.