Theo Ngân hàng Nhà nước, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ảnh: NC st |
Rủi ro bị truy tố?
Sáng 30/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo với quan điểm cứng rắn liên quan đến việc sử dụng bitcoin: hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự kể từ ngày 1/1/2018.
Trước đó, NHNN từng có thông điệp khẳng định Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ. Tuy nhiên, sự việc Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin (trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại) khiến cho câu chuyện về địa vị pháp lý của bitcoin lại một lần nữa nóng bỏng.
Tuy không trực diện chỉ tên “FPT”, song thông báo của NHNN nhấn mạnh, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Theo đó, Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN. Các phương tiện thanh toán không được liệt kê theo quy định này là không hợp pháp.
Cũng trong Nghị định này, Điều 6 quy định về hành vi bị cấm, trong đó có hành vi: Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
NHNN nhấn mạnh, theo các quy định nói trên, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Việc sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán có thể bị xử phạt hành chính từ 150 - 200 triệu đồng theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Thậm chí, NHNN còn nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý dân sự
Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh), Nghị định 101 có 3 đối tượng điều chỉnh, bao gồm các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán; các tổ chức trung gian thanh toán và các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nghị định 101 và Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 đã nêu định nghĩa rõ các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán bao gồm NHNN, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và một số tổ chức khác. Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là các tổ chức được NHNN cấp phép và các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Như vậy, trường hợp các đối tượng này sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán thì vi phạm quy định tại Nghị định 80, Nghị định 101 và nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm.
Theo đó, nếu phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn, nếu hành vi này gây thiệt hại về tài sản thì có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù mức nhẹ nhất là 6 tháng, nặng nhất là 20 năm.
Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi, đây mới là quy định đối với trường hợp sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán với các đối tượng được quy định rõ ràng theo Nghị định 80, Nghị định 101 và Bộ luật Hình sự. Nhìn chung, có thể dự đoán rằng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng như các bên trung gian thanh toán sẽ tuân thủ quy định này bởi mức phạt hành chính cũng như hình sự là khá nặng nề.
Nhưng thực tế, vẫn nhiều cá nhân coi trọng bitcoin, giao dịch, mua bán đồng bitcoin. Hiện mức giá của đồng tiền mã hóa này vào khoảng 6.000 USD/BTC. Nếu coi đây là một loại tài sản - tài sản ảo thì hiện pháp luật dân sự của Việt Nam chưa có quy định đầy đủ, hoàn thiện để điều chỉnh.
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Bitcoin không phải là tiền, vật, cũng không phải là giấy tờ có giá nhưng liệu có thể coi là quyền tài sản hay không? Lâu nay câu hỏi có nên thừa nhận tài sản ảo là một loại tài sản cần được pháp luật dân sự bảo hộ vẫn là vấn đề còn nhiều tranh luận. Nhưng dù chưa có “danh phận” thì các loại tài sản ảo nói chung và bitcoin nói riêng vẫn đang tồn tại và được giao dịch. Do đó, cần quy định rõ ràng về việc có thừa nhận hay không để các bên giao dịch có căn cứ để cân nhắc trước khi giao dịch các loại tài sản này.