Rủi ro và cơ hội tăng trưởng kinh tế ở thế cân bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), triển vọng kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là tích cực, với cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Để hỗ trợ đà tăng trưởng, WB khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải cách thể chế hướng đến xanh hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tích hợp hệ sinh thái tư nhân trong nước vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cần quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường tài chính.
Để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi
Để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi

Cơ hội và rủi ro trong bối cảnh mới

Tại Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố ngày 26/8, WB nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là tích cực, tốc độ tăng trưởng trong năm 2024 sẽ cao hơn dự báo trước đó nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Tuy vậy, trong bức tranh sáng về triển vọng tăng trưởng vẫn có những rủi ro theo hướng tiêu cực cả từ bên ngoài và trong nước.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế WB phân tích, về tiêu dùng, tuy có sự hồi phục, nhưng chi tiêu đang ở mức thấp hơn so với trước đại dịch. Tăng trưởng thu nhập thực của người dân còn khiêm tốn, kể từ 2022 tăng trưởng chỉ 2,7%/năm, so với mức tăng 8,4%/năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Thu nhập tăng thấp có ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng tiêu dùng.

Về đầu tư, đầu tư tư nhân trong nước chiếm gần 60% tổng đầu tư, tuy có cải thiện nhưng chưa mạnh, chưa quay trở lại mức trước đại dịch. Một trong những lý do là thị trường bất động sản chưa phục hồi, lực cầu trong nước thấp, nên không tạo được động lực cho các doanh nghiệp phát triển dự án.

Về tài chính, tín dụng, tuy tài khoản vãng lai và tài khoản tài chính đang ghi nhận thặng dư, nhưng cán cân thanh toán quốc tế tổng thể lại thâm hụt: quý I/2024 âm khoảng 1,3 tỷ USD, do dòng vốn ra nước ngoài phi chính thức tăng lên. Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu 15%/năm mà Ngân hàng Nhà nước định hướng. Thực tế này đặt trong bối cảnh môi trường lãi suất thuận lợi cho phía bên vay cho thấy, nhu cầu đầu tư trong nước vẫn còn yếu. Cùng với đó, chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023 khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng tổn thất tín dụng tăng lên. Tổng nợ vay được coi là xấu có thể lên đến 7,9% nếu tính cả các khoản vay được tái cơ cấu và nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Khối doanh nghiệp đang phát hành lượng trái phiếu tăng trở lại, nhưng áp lực trả nợ trái phiếu vẫn cao. Lượng trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 ước lên đến 139,8 nghìn tỷ đồng (5,6 tỷ USD), trong đó, trái phiếu bất động sản chiếm 42%, tạo áp lực cho lĩnh vực bất động sản trong điều kiện khó khăn về dòng tiền…

Để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần tăng cường huy động tài chính cho các dự án dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng và chuyển đổi khí hậu. Ảnh: Tiên Giang

Để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần tăng cường huy động tài chính cho các dự án dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng và chuyển đổi khí hậu. Ảnh: Tiên Giang

Khuyến nghị chính sách hỗ trợ tăng trưởng

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, nhưng chưa phục hồi được như trước đại dịch, chuyên gia của WB khuyến nghị, Nhà nước cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp những thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh. “Chỉ cần tăng đầu tư công thêm một điểm phần trăm so GDP có thể khiến cho GDP tăng thêm 0,1 phần trăm”, WB đánh giá.

Bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công, ông Sebastian Eckardt, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính. WB nhấn mạnh đến các cải cách cơ cấu, có vai trò sống còn để duy trì triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Cụ thể, cải cách cần hướng đến là xanh hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, cải thiện môi trường kinh doanh, tích hợp hệ sinh thái tư nhân trong nước vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ về mục tiêu dài hạn của Việt Nam, WB nhận định, để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam sẽ cần tăng cường huy động tài chính cho các dự án dài hạn - đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng và chuyển đổi khí hậu - với các nguồn lực bổ sung ước tính chiếm 7% GDP chỉ riêng cho các dự án hạ tầng. Xét GDP năm 2023 của Việt Nam, con số này tương đương 30 tỷ USD mỗi năm. Đầu tư công sẽ chỉ đáp ứng một phần của nhu cầu vốn và phần còn lại phải do khu vực tư nhân đáp ứng.

Để huy động được nguồn lực tư nhân, phát triển thị trường vốn tại Việt Nam là giải pháp tiên quyết. Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB nhấn mạnh, phát triển thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

WB đánh giá, một trong những thách thức của thị trường vốn Việt Nam là tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức rất thấp, trong đó, hoạt động đầu tư tài chính của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) chưa được khai thác đúng mức. Từ đó, WB khuyến nghị cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn, trong đó BHXH sẽ trở thành một nhân tố chính đẩy mạnh sự phát triển của thị trường vốn và từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của BHXH để cải thiện lợi nhuận dài hạn, tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, lưu ý các chính sách nhằm tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, kết hợp với những cải cách nhằm nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. “Nếu được nâng hạng, hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn” ông Ketut Ariadi Kusuma nhận định.

Liên quan đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán, giữa tháng 8/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) có cuộc làm việc với Tổ chức xếp loại thị trường Morgan Stanley Capital International (MSCI) để thúc đẩy tiến trình nâng hạng. Bộ Tài chính đang trong quá trình sửa đổi nhiều quy định pháp lý để gỡ những vướng mắc thực tiễn, nhất là trong thu hút nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, bên cạnh các tiêu chí định lượng được, để được nâng hạng, Việt Nam cần đạt được “tiêu chí mềm” là sự đồng thuận của các nhà đầu tư quốc tế. Tiêu chí này đòi hỏi những cải cách chính sách đi vào thực chất, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục