Sabeco bị truy thu khoảng 1.400 tỷ đồng tiền thuế |
Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hôm 14/1. Số tiền thuế trên gồm hơn 400 tỷ đồng bị truy thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và 1.000 tỷ đồng truy thu các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp khác từ các năm trước đó.
Còn nhớ vụ truy thu hơn 400 tỷ đồng tiền thuế tại Sabeco trước đó đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Theo đó, tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này đã kiến nghị cơ quan chức năng, truy thu Sabeco 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt riêng năm 2013.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Sabeco đã thành lập và bán bia của mình qua Công ty Thương mại Sabeco (công ty con). Sabeco tính, kê khai và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán ra tại công ty con này.
Công ty Thương mại Sabeco lại chưa bán ra cho người tiêu dùng mà bán tiếp qua các công ty thương mại vùng - công ty cổ phần nhưng Sabeco chi phối cũng với mức khá thấp. Từ đây, các công ty khu vực này mới bán tiếp cho đại lý cấp 1 với giá cao hơn. Đại lý cấp 1 sẽ tiếp tục bán bia Sài Gòn cho các đại lý cấp 2, các nhà hàng, người tiêu dùng...
Do đó, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco.
Theo Sabeco, doanh nghiệp này đã làm theo đúng quy định của Nhà nước tại các nghị định, thông tư, công văn... được hướng dẫn nên không sai luật. Sabeco cho rằng các công ty thương mại khu vực là công ty liên kết dù Sabeco nắm tới trên 90% cổ phần, nên không thể lấy giá các công ty này làm giá tính thuế.
Trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Quang – Viện trưởng Viện kế toán – Kiểm toán – Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng ngành thuế truy thu của Sabeco thì cũng phải truy thu những doanh nghiệp khác. Ông nhận định, ở Việt Nam cách thức kinh doanh như của Sabeco không hiếm và hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện theo cách thức của doanh nghiệp này. Cụ thể ông chỉ ra hàng loạt tổng công ty, tập đoàn khác cũng có mô hình hoạt động, kinh doanh và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tương tự như Sabeco, điển hình là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty liên doanh Nhà máy bia Việt Nam (sản xuất các loại bia Heineken, Tiger)...
Ông Quang khẳng định, ông không ủng hộ cách làm của Bộ Tài chính nhưng cũng không đứng về phía Sabeco. Doanh nghiệp lách luật, trốn thuế là vì lợi ích của chính doanh nghiệp mình, còn ngành thuế quyết truy thu cũng bởi vì sức ép nguồn thu ngân sách. Ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động có lãi là nhờ vào trốn thuế và tăng giá, doanh nghiệp nào trốn được nhiều lãi càng lớn.
Vấn đề vị chuyên gia yêu cầu là phải đảm bảo công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, nếu đã truy thu thuế của Sabeco vậy còn Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty liên doanh Nhà máy bia Việt Nam (sản xuất các loại bia Heineken, Tiger) thì sao?
Ngoài Sabeco bị truy thu thuế, theo Bộ trưởng Tài chính, còn có hai đại gia khác là nhà bán lẻ Metro, và Tổng Công ty Máy động lực và máy Nông nghiệp Việt Nam (Veam).
Cụ thể, Metro đã nộp ngân sách khoản thuế thu nhập từ phi vụ chuyển nhượng cho tỷ phú Thái Lai với số tiền là 1.911 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền này nộp về ngân sách trung ương gần 1.500 tỷ đồng chiếm 77%, nộp về địa phương ở Cục thuế TP.HCM giữ lại là hơn 400 tỷ đồng chiế 23%. Đây chính là khoản thuế thu nhập phát sinh từ thương vụ trị giá khoảng 700 triệu USD khi chuỗi siêu thị bán lẻ này được "bán" lại cho Tập đoàn bán lẻ ở Thái Lan.
Có mức bị truy thu ngang ngửa con số gần 2.000 tỷ đồng của nhà bán lẻ trên này là Veam. Tổng công ty này đã bị truy thu một khoản thuế phải nộp đối với số tiền lãi mà VEAM được chia từ tiền góp vốn vào Toyota và Honda.
Tổng cộng ba doanh nghiệp bị truy thu thuế tổng cộng hơn 5.400 tỷ đồng trong năm 2015.