Nhiều chủ đầu tư còn xem nhẹ khâu đàm phán hợp đồng, dẫn đến nhiều hệ lụy |
Chủ đầu tư và nhà thầu/nhà đầu tư cần quan tâm điều gì trong quá trình này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu và quản lý hợp đồng sau đấu thầu? Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco chia sẻ cùng bạn đọc Báo Đấu thầu.
Đấu thấu là thủ tục khởi đầu
Trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng: “Đấu thầu là một thủ tục nhằm lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cho các dự án, trong đó chủ yếu là các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Do đó, hoạt động đấu thầu là giai đoạn hết sức quan trọng và có ý nghĩa sống còn đến việc đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án và hiệu quả sử dụng vốn NSNN. Tuy nhiên, lựa chọn ra nhà thầu chỉ là giai đoạn khởi đầu của quá trình thực hiện một dự án, hay nói cách khác, đấu thầu đơn giản chỉ là quá trình khởi đầu để đề ra và xác lập các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính và trên cơ sở đó, lựa chọn được đơn vị đáp ứng đầy đủ điều kiện nhất để triển khai dự án. Hiệu quả của dự án và năng lực thực tế triển khai gói thầu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố ràng buộc các cam kết của chủ đầu tư và cam kết của nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án, gói thầu”.
Theo đó, Luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh: “Việc tuân thủ và thực hiện một cách nghiêm túc các yêu cầu đã đề ra trong hồ sơ mời thầu và các quy định trong hợp đồng sẽ đảm bảo trách nhiệm của nhà thầu trong việc cung cấp dịch vụ, hàng hóa một cách nghiêm túc, đầy đủ, đúng chất lượng, khối lượng theo yêu cầu, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh về tiến độ thực hiện và chất lượng sản phẩm đầu ra”.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, Luật sư Hà Huy Phong lưu ý cần đảm bảo sự minh bạch của thông tin.
Theo ông Phong, mặc dù thông tin là yếu tố đầu vào của quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng, nhưng nó có ý nghĩa quyết định đến sự thành công trong quá trình đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Chủ đầu tư, bên mời thầu cần khảo sát, nghiên cứu một cách đầy đủ, công tâm các thông tin về yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu tài chính, yêu cầu về công nghệ cần phải đáp ứng để có thể thực hiện tốt dự án, trên cơ sở đó, đưa ra các thông tin mà đơn vị dự thầu cần phải đáp ứng. Trên cơ sở thông tin đầu vào đã thu thập, bên mời thầu công bố công khai với thời gian hợp lý để các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, nghiên cứu và tự xác định khả năng đáp ứng. Bên tham gia dự thầu cũng cần có sự minh bạch và công bố công khai, đầy đủ năng lực, kinh nghiệm của mình trong quá trình dự thầu.
Cũng theo ông Phong, bên mời thầu, chủ đầu tư cần có cơ chế và thời gian để tìm hiểu về năng lực thực tế của bên dự thầu. Sự cam kết về mặt văn bản là cần thiết nhưng sẽ không đủ để chứng minh năng lực thực tế về kinh nghiệm, tài chính và giải pháp công nghệ. Chất lượng hồ sơ dự thầu và năng lực của đơn vị dự thầu sẽ tốt hơn rất nhiều nếu thông tin về yêu cầu của dự án, thông tin về năng lực và kinh nghiệm của bên dự thầu được công bố một cách đầy đủ, minh bạch và sát với yêu cầu của dự án.
Trên thực tế hiện nay, một phần nguyên nhân tạo nên sự yếu kém trong việc quản lý thực hiện gói thầu là do ngay từ xuất phát điểm, bên mời thầu không lường trước hết được sự phức tạp của dự án, các yêu cầu kỹ thuật và tài chính, công nghệ của dự án, không lường trước hết được diễn biến của tình hình và thị trường… Một phần lớn khác là do sự thông thầu giữa bên mời thầu và đơn vị dự thầu. Kinh nghiệm cho thấy, trong các gói thầu có gian lận thì bên mời thầu thường phím trước cho một bên dự thầu các thông tin về yêu cầu để có thời gian chuẩn bị, đối phó..., sau đó mới công bố công khai thông tin ra bên ngoài. Thậm chí, nhiều đơn vị mời thầu còn không công bố hoặc công bố thông tin một cách chiếu lệ.
Thông tin là yếu tố đầu vào cho các bên xác lập vị thế của mình khi ngồi vào bàn đàm phán. Về phía chủ đầu tư, bên mời thầu thì thông tin sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn được nhà thầu có chất lượng và phù hợp.
Mọi thông tin cần có sự chuẩn bị và công khai trước khi ngồi vào bàn đàm phán hợp đồng. Tuy nhiên, thông tin về điều kiện ràng buộc giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng nên được đưa vào dự thảo hợp đồng ngay từ ban đầu để bên dự thầu xem xét, cân nhắc trước khi quyết định tham gia đấu thầu hay không.
Hợp đồng là hành lang pháp lý trong suốt quá trình thực hiện dự án
Nếu thủ tục đấu thầu là thủ tục khởi đầu của dự án, thì hợp đồng là hành lang pháp lý giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong suốt quá trình thực hiện dự án. Do đó, theo Luật sư Hà Huy Phong thì điều quan trọng là, quá trình đàm phán hợp đồng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, có sự chuẩn bị đầy đủ, công phu, có sự trợ giúp của các chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm.
Ông Phong dẫn chứng: “Có một thực tế là chủ đầu tư, bên mời thầu thường có xu hướng coi trọng thủ tục đấu thầu mà lãng quên chuẩn bị cho cuộc đàm phán hợp đồng và các nội dung đàm phán. Tôi đã được xem nhiều hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì thấy các nội dung vô cùng sơ sài, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau giữa các điều khoản. Việc hợp đồng thiếu các điều khoản chi tiết và rõ ràng sẽ dẫn đến các kẽ hở để bất kỳ bên nào cũng có thể luồn lách nhằm tạo lợi ích riêng cho mình. Nhiều hợp đồng chỉ sử dụng lại các điều khoản và quy định đã có trong văn bản luật, mà thiếu đi các điều khoản ràng buộc được cụ thể hóa cho tình huống và quan hệ giữa hai bên, cho yêu cầu của dự án. Tựu chung lại thì có thể cho rằng, nhận thức về sự cần thiết của hợp đồng và sự ràng buộc bằng quy phạm hợp đồng vẫn còn rất mơ màng và yếu ớt”.
Còn những chủ đầu tư coi quan hệ với nhà thầu là quan hệ hành chính
Theo Luật sư Hà Huy Phong, trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa nhận thức rõ rằng, mặc dù thủ tục đấu thầu là thủ tục do Nhà nước quy định, nhưng quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là quan hệ dân sự, nên sự ràng buộc về quyền, nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của các bên phải do chính các bên thỏa thuận, dựa trên các nguyên tắc cơ bản do pháp luật quy định. Vẫn có hiện tượng nhiều chủ đầu tư coi quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu là quan hệ hành chính, mệnh lệnh, nên chủ quan, đánh giá thấp các quy phạm hợp đồng.
Và thêm vào đó, ông Phong lưu ý thêm: “Bên cạnh các điều khoản về quyền, về nghĩa vụ của mỗi bên, cần quy định một cách chặt chẽ về thực thi quyền và nghĩa vụ, như giám sát thực hiện, phát hiện vi phạm, thông báo vi phạm, xử lý vi phạm, trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ, chế tài phạt hợp đồng, thay thế nhà thầu và bồi thường thiệt hại...”.