Bị cáo Đinh La Thăng trong ngày đầu xét xử. Ảnh: TTXVN |
Tại PVC đã xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, xây dựng và quản lý tài chính trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và hành vi lập khống hồ sơ, giấy tờ để thanh toán khống hơn 13 tỷ đồng.
Đối với sai phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng EPC và tạm ứng, có 14 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX đã tập trung thẩm vấn các bị cáo để làm rõ hành vi sai phạm cũng như hậu quả.
Qua các tài liệu, hồ sơ chứng cứ thu thập được, cơ quan công tố đã cáo buộc các bị cáo đã có hành vi vi phạm trong lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng EPC và tạm ứng. Theo đó, năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm đầu mối thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và PVN giao cho công ty thành viên thực hiện đầu tư Dự án.
Mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, Đinh La Thăng ký Nghị quyết số 5392/NQ-DKVN có nội dung: Đồng ý về chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Tiếp đó, ngày 28/2/2011, công ty thành viên và PVC ký Hợp đồng EPC số 33. Hợp đồng này chỉ có 8 trang giấy A4, gồm 10 điều và thiếu nhiều tài liệu cấu thành hợp đồng. Do Thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh, Tổng dự toán hiệu chỉnh, Hồ sơ yêu cầu gói thầu EPC chưa thực hiện nên giá trị quy định trong hợp đồng được tạm tính là 1,2 tỷ USD.
Phần lớn số tiền tạm ứng đã được sử dụng trái quy định và mới thu hồi được hơn 1.100 tỷ đồng, còn thiệt hại 119 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, một số bị cáo nguyên là các lãnh đạo cao cấp của PVN và PVC trình bày rằng tại thời điểm thực hiện hành vi, các bị cáo không nhận thức được sai phạm. Chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, kiểm sát viên thì mới biết Hợp đồng 33 có vấn đề.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC trình bày rằng việc ký Hợp đồng 33 là căn cứ vào Nghị quyết của Tập đoàn về việc chỉ định thầu, trên cơ sở tờ trình Tổng giám đốc và ý kiến các ủy viên. Bị cáo Quý khai sau này khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết thủ tục chưa đầy đủ, việc sử dụng tiền sai mục đích.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN cũng khai rằng, thời điểm bị cáo về PVN nhận nhiệm vụ Phó Tổng giám đốc thì việc chuyển đổi tư cách chủ đầu tư từ một công ty thành viên sang PVN và ký lại hợp đồng đã được thực hiện xong. Quá trình ký kết chuyển giao bị cáo không tham dự, không biết. Việc tạm ứng, bị cáo Sơn thừa nhận có ký 2 quyết định và chuyển tiền thành 4 lần. Nhưng theo bị cáo Sơn, hợp đồng có điều khoản tạm ứng cho nhà thầu ngay sau khi ký hợp đồng, do đó việc chuyển tiền là không trái quy định.
Trong khi đó, một số các bị cáo khác như bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC, bị cáo Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC, bị cáo Ninh Văn Quỳnh đều thừa nhận Hợp đồng số 33 có vấn đề. Bị cáo Vũ Đức Thuận trình bày rằng, khi đó PVC khó khăn, chịu sức ép trả nợ ngân hàng cũng như sức ép phải khởi công ngày 1/3/2011 nên nhiều việc chưa kịp hoàn thiện. Tình tình tài chính của PVC khó khăn nên khi có tiền tạm ứng, PVC đã sử dụng sai mục đích.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh cho rằng những cán bộ cao cấp chịu trách nhiệm thực hiện dự án này không thể không biết về vấn đề của Hợp đồng 33. Bản thân bị cáo Quỳnh đã nhận ra và báo cáo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nhưng được chỉ đạo thực hiện, thủ tục còn thiếu sẽ hoàn thiện sau.
Ngày mai, HĐXX sẽ tiếp tục làm việc. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 21/1.