Sẵn sàng đón vốn tư nhân cho dự án môi trường

(BĐT) - 1 trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM là giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020. UBND TP.HCM vừa phê duyệt thực hiện 54 dự án với tổng mức đầu tư gần 64.200 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án này theo hình thức PPP, kêu gọi vốn ODA...
Trong 54 dự án được TP.HCM ưu tiên thực hiện thì các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và nạo vét kênh rạch chiếm phần lớn, với tổng trị giá gần 51.300 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang
Trong 54 dự án được TP.HCM ưu tiên thực hiện thì các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và nạo vét kênh rạch chiếm phần lớn, với tổng trị giá gần 51.300 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang

Hàng loạt dự án khủng bung hàng

Theo UBND TP.HCM, trong 54 dự án được ưu tiên thực hiện thì phần đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và nạo vét kênh rạch chiếm phần lớn - gần 51.300 tỷ đồng (vốn được huy động theo hình thức đầu tư PPP, vốn ODA…). Trong số này có 11 dự án chuyển tiếp thực hiện từ giai đoạn 2011 - 2015, với kinh phí 3.684 tỷ đồng. Về phần xử lý chất thải rắn, TP.HCM có chủ trương xã hội hóa kêu gọi tư nhân làm dự án xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến, công suất 1.000 - 2.000 tấn/ngày, với số vốn 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, kêu gọi vốn ngoài ngân sách đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn là hơn 2.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2018 - 2020.

Theo kế hoạch vừa được ban hành nói trên, chính quyền Thành phố đặt nhiều mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường do nước thải… thông qua các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án PPP. Theo đó, phần hỗ trợ của Nhà nước sẽ chủ yếu ở hạng mục giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, theo Sở KH&ĐT TP.HCM, trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào TP.HCM, lĩnh vực môi trường đóng góp nhiều dự án quan trọng. Các dự án trong lĩnh vực giảm ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải… được TP.HCM công bố rộng rãi trong danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Cụ thể, có đến 4 dự án thành phần thuộc Dự án Tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2); Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 3; Dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2); Dự án Xây dựng trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1; loạt dự án giảm thất thoát nước vùng 3, 4, 5, 6; Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực rạch cầu Sơn, cầu Bông, rạch Lăng, rạch Văn Thánh… Mỗi dự án đang được kêu gọi đầu tư có giá trị từ vài triệu đến hàng trăm triệu USD. 

Năng động để thu hút đầu tư tư nhân

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, có 19 dự án PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 1,56 tỷ USD đã được các nhà đầu tư rót vào TP.HCM
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hồng Văn, Trưởng phòng PPP (Sở KH&ĐT TP.HCM) cho biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, có 19 dự án PPP (gồm các dạng thức hợp đồng BOT, BT, BTO, BOO…), với tổng vốn đầu tư khoảng 1,56 tỷ USD đã được các nhà đầu tư rót vào TP.HCM. Hiện nay, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đã bao quát tất cả các lĩnh vực như giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục… Đến nay, có nhiều dự án đang xin chủ trương đầu tư, đang lập đề xuất dự án, thẩm định đề xuất dự án trong danh mục khoảng 66 dự án với tổng vốn đầu tư kêu gọi ước tính khoảng 215 tỷ USD. “Trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, cùng với các dự án hạ tầng giao thông nòng cốt, TP.HCM luôn ưu tiên cho các dự án môi trường, phát triển bền vững để kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng”, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM chia sẻ.

Trong khi đó, từ góc độ của các nhà tài trợ, bà Anna Wielogorska, Trưởng Bộ phận đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng: “Khi triển khai dự án môi trường theo hình thức PPP thông qua đấu thầu rộng rãi, Nhà nước và người dân sẽ sớm được hưởng lợi từ dự án nhờ tận dụng tối đa thế mạnh của khu vực tư trong quản lý, vận hành và khai thác dự án”.

Đại diện Văn phòng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, bà Lê Thu Hương cho biết thêm, trong giai đoạn 2016 - 2020, chiến lược của AFD tại Việt Nam là hỗ trợ Việt Nam phát triển xanh. Trong đó, khả năng cấp vốn của AFD là phù hợp với nhu cầu đầu tư hạ tầng tại TP.HCM. Nhà tài  trợ này khẳng định luôn dành nhiều quan tâm đối với các dự án môi trường mà TP.HCM đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

Ông Phạm Phú Quốc, Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho biết, TP.HCM đặt phương châm luôn chủ động đề xuất, xây dựng, thực hiện nhiều cơ chế đa dạng hóa các hình thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để phát triển, thể hiện qua hàng loạt dự án PPP được triển khai thời gian qua.