Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14 làm việc trong 26 ngày. Ảnh: Giang Huy |
Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017.
Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội gần đây, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, tuy nhiên tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,3-6,5%, trong khi kế hoạch đề ra là 6,7%. Tốc độ GDP thấp hơn kế hoạch đề ra chủ yếu do: Hậu quả của thiên tai, hạn hán, đặc biệt là xâm nhập mặn và sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung… Năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 4%.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…
Kỳ họp lần này, Quốc hội làm việc 26 ngày, từ 20/10 đến 23/11. Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, tuy nhiên tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được chú trọng, chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp, vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất đã tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.
Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, MTTQ Việt Nam..., trong đó có báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; báo cáo về tình hình biển Đông.
Quốc hội dành một ngày giám sát tối cao về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn.