Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh |
Bức tranh kinh tế báo chí Việt Nam ngày càng hiện rõ nhiều khó khăn. Theo ông, việc tìm kiếm nguồn thu của báo chí trong thời gian tới sẽ theo hướng nào?
Các số liệu thống kê cho thấy doanh thu của ngành báo chí có xu hướng suy giảm mạnh. Tổng doanh thu năm 2023 giảm 2,76% so với năm 2022. Doanh thu từ quảng cáo của báo chí toàn cầu giảm từ mức 45,7 tỷ USD năm 2019 xuống mức dự kiến 33,3 tỷ USD năm 2024. Doanh thu từ các ấn phẩm số tăng nhưng không đáng kể, từ mức 10,6 tỷ USD năm 2019 lên dự kiến 11,9 tỷ USD năm 2024. Trong khi đó, doanh thu báo in từ mức 35,1 tỷ USD năm 2019 giảm xuống dự kiến ở mức 21,4 tỷ USD năm 2024.
Doanh thu phát hành cũng ở tình trạng sụt giảm tương tự. Doanh thu phát hành báo in giảm từ mức 50,3 tỷ USD của năm 2019 xuống còn dưới 40 tỷ USD dự kiến đạt được trong năm 2024. Trong khi đó, rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới có nguồn thu từ thu phí và nhiều hình thức khác trên báo điện tử, nhờ đó đạt mức tăng từ 5,3 tỷ USD năm 2019 lên 8,4 tỷ USD năm 2024.
Trong thời gian tới, việc tìm kiếm doanh thu từ độc giả sẽ ngày càng quan trọng và cũng là nguồn thu an toàn hơn với cơ quan báo chí, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh. Quảng cáo báo chí toàn cầu dự kiến giảm khoảng 4,6% trong 2023 và 3,1% trong 2024. Đồng thời, nhiều báo cáo cho thấy, các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook đã chiếm khoảng 70% nguồn thu quảng cáo.
Trong khi đó, thu phí độc giả là cách thức mà báo chí thế giới đã làm từ lâu. Theo tính toán, một bài phóng sự của New York Times mất chi phí từ 50.000 - 150.000 USD, số tiền thu được từ bán quảng cáo không thể bù được chi phí cho những bài báo như vậy. Do đó, thu phí là đường đi mà nhiều cơ quan báo chí quốc tế đã tính toán thực hiện, họ thử nghiệm nhiều lần, mắc sai lầm không ít trước khi đạt được kết quả của ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, tổ chức sự kiện là nguồn thu được nhiều cơ quan báo chí tìm kiếm và khá phổ biến ở Việt Nam.
Một số nguồn thu khác như sản xuất nội dung quảng cáo, thương mại điện tử, bán lẻ, cấp phép thương hiệu, cung cấp dịch vụ công nghệ, trở thành tổ chức nghiên cứu và bán các báo cáo nghiên cứu, cũng đang được nhiều cơ quan báo chí quốc tế áp dụng khá thành công.
Thu phí độc giả được coi là cách tạo doanh thu an toàn, song chỉ có vài cơ quan báo chí tại Việt Nam thử nghiệm, phải chăng cách thức này không dễ thành công, thưa ông?
Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đã thử nghiệm thu phí độc giả trong khi nhiều tòa soạn khác vẫn chỉ “chờ xem họ làm như thế nào”. Để tăng doanh thu từ việc thu phí từ độc giả, phải xem sản phẩm báo chí là hàng hóa, phải đáng tiền thì mới bán được.
Nói cách khác, những sản phẩm bán được có tính đặc thù, độc quyền, có bản sắc riêng. Với các tính chất riêng có, các sản phẩm báo chí có phương thức bán hàng riêng, theo hình thức B2B (bán cho doanh nghiệp) hoặc theo B2C (bán cho cá nhân). B2B đã được nhiều cơ quan báo chí nước ngoài làm, sản phẩm bán được thường là các phân tích thị trường có tính nghiên cứu và giá trị cao. Một báo cáo thị trường thông thường từ vài nghìn USD đến 20 nghìn USD. Sản phẩm này phù hợp với các cơ quan báo chí có tính chuyên ngành, đặc thù.
Với cách thức bán B2C, giá bán rẻ hơn nhưng không dễ thuyết phục. Chúng tôi đã từng thử nghiệm lấy phí độc giả chỉ 30 nghìn đồng/tháng hoặc 5 nghìn đồng/tin nhưng có nhiều người sẵn sàng mua 6 - 7 tin lẻ thay vì trả phí cả tháng.
Điểm đáng lưu ý là trong thời gian đầu, có thể thu hút được rất nhiều độc giả muốn trải nghiệm, nhưng nếu sản phẩm không có sự khác biệt và thiết thực thì tỷ lệ hủy đăng ký sẽ rất cao. Vì thế, có những tờ báo đạt lượng người đăng ký lên đến vài triệu, thậm chí 10 triệu nhưng lại có những tờ báo chỉ đạt vài chục nghìn người đăng ký. Yếu tố thúc đẩy đăng ký dài hạn là nội dung chất lượng và thương hiệu báo chí có uy tín. Đạt được hơn 9 triệu đăng ký dài hạn, Chủ tịch và CEO Meredith Kopit Levine của The New York Times nói thành công của họ là nằm ở chỗ tạo ra được những nội dung tốt nhất có thể.
Để thu hút nhiều người đăng ký, nhiều cơ quan báo chí cung cấp các sản phẩm combo nhiều dịch vụ tương ứng với số tiền bỏ ra. Một cách thức thu phí người dùng khác là nhóm thành viên (membership). Theo đó, mỗi người dùng đóng một khoản phí thành viên sẽ hưởng những lợi ích của tờ báo, ví dụ tờ báo tổ chức sự kiện thì họ được ưu tiên tham dự, khi báo ra nội dung đặc biệt thì họ được ưu tiên xem trước, hoặc tổ chức các sự kiện gặp mặt trực tiếp để tăng cường gắn kết. Từ mô hình gắn kết như vậy, có thể phát triển nhiều việc khác như tạo ra dịch vụ bán hàng cho người dùng, chẳng hạn có những tờ báo lập ra gói sản phẩm, phối hợp cùng các thương hiệu hàng hóa/dịch vụ để bán hàng với các ưu đãi riêng cho thành viên.
Dù khó nhưng đây là cách thức tạo nguồn thu bền vững. Bởi hiện tại không thể nào chỉ trông cậy vào nguồn thu quảng cáo được nữa.
Nhiều cơ quan báo chí đang khai thác và phát triển nguồn thu từ việc tổ chức sự kiện. Theo ông, đây có phải là cách thức tăng doanh thu hiệu quả ở Việt Nam không?
Thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí chú trọng việc tổ chức sự kiện, có cơ quan báo chí đã kiếm được 20% doanh thu từ hoạt động này. Điểm cần lưu ý là nội dung sự kiện tổ chức nên theo thế mạnh của cơ quan báo chí đó để bảo đảm chất lượng và doanh thu hiệu quả, từ đó tiếp tục tổ chức được nhiều sự kiện chuyên sâu và thu hút thêm độc giả cho cả tờ báo. Đây là cách thức tăng doanh thu ưu thế của những đơn vị báo chí thuộc thị trường ngách.
Trong tình cảnh nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn về nguồn thu, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ gì, thưa ông?
Cần khẳng định tự thân là quan trọng. Nhà nước có thể bao cấp một phần cho một số cơ quan báo chí đặc thù. Nhà nước có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí bằng cơ chế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi cơ quan báo chí không nên coi là doanh nghiệp bình thường. Tuy nhiên, để được giảm thuế thì cơ quan báo chí cũng phải có thu nhập, nguồn thu ít thì giảm thuế cũng không có ý nghĩa.
Ở khía cạnh khác, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ tạo nguồn thu cho các cơ quan báo chí như các khoản chi cho truyền thông chính sách. Để làm được việc này, cơ quan báo chí phải chứng minh được năng lực chứ không phải thực hiện theo cơ chế xin - cho và cào bằng.
Có thể khẳng định rằng việc tạo ra sản phẩm mới là xu hướng của báo chí hiện nay. Nếu hằng ngày vẫn làm báo theo lối cũ với từng đó tin, từng đó bài thì không trách độc giả “quay lưng”. Còn nếu chúng ta biết cách sáng tạo những sản phẩm mới, có ý nghĩa và thiết thực thì luôn có cơ hội tăng doanh thu và thương hiệu.