Sau 2020, không còn nợ xây dựng cơ bản

(BĐT) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, với việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn, lần đầu tiên chúng ta có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối vốn ngân sách nhà nước trong 5 năm.
Vốn ngân sách 5 năm 2016 - 2020 chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Vốn ngân sách 5 năm 2016 - 2020 chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Cân đối vốn, xử lý nợ đọng

Báo cáo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 46 ngày 7/3, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đưa ra định hướng đầu tư theo từng nguồn vốn, theo vùng lãnh thổ, định hướng đầu tư của 14 ngành, lĩnh vực. Trong từng ngành, lĩnh vực đã bổ sung các định hướng đầu tư cho phù hợp với tình hình mới.

Dựa trên khả năng thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 là 1.846 nghìn tỷ đồng (bao gồm đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết và bội chi ngân sách địa phương sẽ đưa vào cân đối NSNN theo Luật NSNN năm 2015; không bao gồm 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ). Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN do các bộ, ngành và địa phương đề xuất là khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015, gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016 - 2020.

fig come hereĐây là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy tổng thể khả năng cân đối nguồn vốn để xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, xác định rõ nhu cầu đầu tư để hoàn thành các dự án chuyển tuyến, nhu cầu đối ứng các chương trình, dự án ODA… của các bộ, ngành trung ương và địa phương.Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và phân bổ kế hoạch vốn trung hạn bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất gắn với việc tăng quyền chủ động của các cấp, các ngành trong việc phân bổ nguồn vốn NSNN. Đồng thời, khắc phục tình trạng bị động, mất cân đối trong bố trí vốn ngân sách trung ương trong nhiều năm qua.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy tổng thể khả năng cân đối nguồn vốn để xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, xác định rõ nhu cầu đầu tư để hoàn thành các dự án chuyển tuyến, nhu cầu đối ứng các chương trình, dự án ODA… của các bộ, ngành trung ương và địa phương” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh và cho rằng, dự kiến trong 5 năm tới sẽ xử lý xong tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương và thanh toán cơ bản số vốn ứng trước vốn kế hoạch quá lớn trong thời gian qua. Sau năm 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; ngân sách trung ương sẽ tập trung đầu tư chủ yếu cho các dự án lớn và nâng cao đáng kể hiệu quả đầu tư. 

Ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng

Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đánh giá, việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước tiến quan trọng, tạo dấu ấn và là căn cứ pháp lý cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên quá lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Tổng mức vốn ngân sách trung ương trung hạn 5 năm 2016 - 2020 (vốn trong nước) chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được Chính phủ đặt ra là sẽ đẩy mạnh thu hút và huy động các nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp và tư nhân để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; trong đó ưu tiên đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, theo ông Hiển, khó khăn hiện nay là thực tế số dự án đầu tư theo hình thức PPP ở các bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất trong 5 năm tới còn rất ít; việc thực hiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP cũng còn nhiều hạn chế do khó khăn trong công tác chuẩn bị các dự án mất nhiều thời gian, yêu cầu đầu tư từ nguồn vốn nhà nước lớn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, để thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp lớn: một là, nhóm giải pháp huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; hai là, nhóm giải pháp tăng cường quản lý đầu tư công.

Về vấn đề này, Ủy ban TCNS đề nghị, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực, do vậy Chính phủ cần xác lập trật tự ưu tiên, thu hẹp định hướng đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực, phù hợp với khả năng cân đối vốn; lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho các dự án.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, để Chính phủ có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và Kế hoạch tài chính trung hạn 2016 - 2020 tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2016.