Nhiều ý kiến cho rằng, xe buýt nhanh vẫn chậm. Ảnh: Lê Tiên |
Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, sẽ lắp dải phân cách cứng cho BRT và sẽ mở tuyến BRT số 2 Kim Mã - Hòa Lạc. Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội về vấn đề này.
Đường Hà Nội hiện đã rất chật, việc dựng dải phân cách cứng dành đường riêng cho BRT có gây thêm ùn tắc? Cơ sở nào để Sở GTVT đề xuất việc này?
Dải phân cách cứng phục vụ cho một số nút giao thông trên tuyến BRT là tình huống để chúng tôi giải quyết vấn đề trước mắt, giải quyết bức xúc do người dân lấn làn BRT, cản trở BRT lưu hành. Việc này là cần thiết. Tất nhiên, khi mặt cắt ngang đường còn nhỏ, phương tiện quá đông mà đặt bất cứ dải phân cách cứng nào trên đường sẽ thu hẹp một phần lòng đường và ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, trong những điều kiện cần thiết, tôi nghĩ vẫn phải triển khai thực hiện, tốt cho giao thông chung.
Hiện nay, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến, ý tưởng tham gia để giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội, có nhiều ý tưởng khuyến cáo tại các ngã tư nên có những dải phân cách cứng để chống lấn làn. Chúng tôi đang nghiên cứu để triển khai.
Dự kiến năm 2017, Hà Nội sẽ triển khai tuyến BRT số 2 - lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc. Sở GTVT đã nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của tuyến BRT số 1 chưa?
Mới qua 19 ngày, hiệu quả BRT đã được thể hiện rõ rệt, ý thức người tham gia giao thông cũng khá nghiêm túc, nhìn trên các ảnh chụp flycam thì làn BRT cơ bản là thông thoáng, trong khi bên này xếp hàng có thể đông xe nhưng mà mọi người đều nghiêm túc chấp hành. Hoạt động BRT theo đúng lịch trình, 99% bảo đảm đúng thời gian quy định. Hành khách BRT tăng lên không ngừng, mỗi ngày một tăng.
Theo chúng tôi đánh giá, tỷ lệ lấp đầy hơn 60% trong thời gian ngắn như thế rất là tốt. Dư luận, nhân dân khi tham gia sử dụng BRT đánh giá chất lượng tốt. Nhiều người dân có ý kiến, thay đổi thói quen tham gia phương tiện giao thông công cộng, cảm thấy khi sử dụng văn minh hơn, ứng xử tốt hơn. Tất nhiên trong quá trình triển khai, đây là tuyến thí điểm đầu tiên của Việt Nam cũng như Hà Nội, chúng ta chưa có kinh nghiệm để triển khai việc này nên khi đưa vào sử dụng trong thực tiễn thì cũng có những bất cập. Chúng tôi vừa làm vừa tiếp thu, điều chỉnh, mong muốn có giải pháp tốt nhất sau khi triển khai tuyến này để làm kinh nghiệm triển khai tiếp các tuyến BRT khác. Không chỉ Hà Nội cần kinh nghiệm, chúng tôi đã tiếp các đoàn của TP.HCM, Đà Nẵng nghiên cứu BRT Hà Nội làm cơ sở kinh nghiệm triển khai BRT trên cả nước.
Với tỷ lệ lấp đầy mỗi chuyến hơn 60% trong khi chúng ta phải dành cho BRT diện tích đường khá lớn. Như vậy có thể nói là chưa hiệu quả, vậy tại sao Hà Nội lại chuẩn bị triển khai tuyến mới?
BRT không phải là không có hiệu quả, mà trước khi đầu tư đã khẳng định nó hiệu quả rồi. Đây là tổng kết của thế giới. Thực tiễn triển khai 19 ngày qua đã có hiệu quả, nên sẽ tiếp tục triển khai các tuyến khác theo lộ trình quy hoạch đã có.