Siết chặt cấp phép khai thác để chống “cát tặc”

(BĐT) - Tình trạng khai thác cát trái phép tại những vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận đang có diễn biến hết sức phức tạp. Tại hội nghị bàn về vấn đề này, các địa phương cam kết sẽ mạnh tay xử lý vi phạm, đẩy lùi vấn nạn “cát tặc” đang hoành hành tại nhiều địa phương hiện nay.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Vi phạm khai thác cát gia tăng

TP.HCM có vùng biển giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre; có các sông lớn như sông Thị Vải giáp ranh với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Đồng Nai giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, sông Sài Gòn giáp ranh với tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Theo đánh giá, các sông này đều có trữ lượng cát san lấp, cát xây dựng khá lớn.

Những năm gần đây, do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát xây dựng, cát san lấp nên tình trạng khai thác cát trái phép ở những vùng giáp ranh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan và an ninh khu vực. Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dù đã kiểm tra, truy quét nhưng do các đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng vùng giáp ranh để “chạy qua chạy lại” nên rất khó ngăn chặn.

Kết quả kiểm tra cho thấy, số vụ vi phạm khai thác cát những năm gần đây tại TP.HCM có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2015, TP.HCM bắt và xử lý 17 vụ, thì năm 2016 đã lên đến 38 vụ và riêng 6 tháng đầu năm 2017 có 45 vụ vi phạm. Các vụ vi phạm này xảy ra chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè và Quận 9 của TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, ở trên vùng biển, các đối tượng thường sử dụng phương tiện là các sà lan có tải trọng từ 500 đến 1.000 tấn, lắp đặt các thiết bị bơm hút trực tiếp trên sà lan và vận chuyển đi tiêu thụ. Đối với khu vực trên sông, các đối tượng sử dụng 2 ghe đi cặp (1 cái gắn thiết bị bơm hút và 1 cái vận chuyển) nên lực lượng chức năng rất khó xử lý.

Siết chặt việc cấp phép

Trước nhiều bất cập trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát làm vật liệu xây dựng, tháng 1/2017, UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Lâm Đồng đã ký kết quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, công tác phối hợp giữa các địa phương nhằm quản lý hoạt động khai thác cát vẫn chưa có sự thống nhất, dù đã vào cuộc quyết liệt nhưng còn mạnh ai nấy làm.

Nhiều ý kiến cho rằng, do phương tiện và lực lượng mỏng và thiếu, nên đã đến lúc các địa phương không nên tổ chức các đợt truy quét riêng lẻ, mà cần sự vào cuộc cùng lúc, như vậy mới có thể phát huy hiệu quả trong truy quét các đối tượng khai thác cát trái phép.

Ngoài ra, để đẩy lùi vấn nạn “cát tặc”, trước hết, các địa phương cần hạn chế việc cấp phép khai thác cát ở vùng giáp ranh. Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, ở Đồng Nai, hiện có 14 dự án nạo vét, phân luồng, trong đó có 8 dự án do Bộ Giao thông vận tải cấp phép, 6 dự án còn lại do UBND Tỉnh cấp. Tuy nhiên, gần đây tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị dừng cấp phép phần lớn các dự án nói trên để xem lại tính hiệu quả. Nếu các địa phương khác cũng siết lại việc này, tình trạng khai thác cát trái phép sẽ được hạn chế.

Cuộc chiến chống “cát tặc” dự báo vẫn còn nhiều cam go, nhưng với sự chung sức của các địa phương, hy vọng vấn nạn này sẽ từng bước được đẩy lùi.

Tin cùng chuyên mục