Tháng 4/2018, Thủ tướng đã quyết định thu hồi 1.800 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ còn dư đã bố trí cho Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả. Ảnh: Lê Tiên |
Rà soát giảm tiếp tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng
Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả (gọi tắt là Dự án Đèo Cả) do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức BOT và BT. Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 47/QĐ-BGTVT ngày 6/1/2012 với tổng vốn đầu tư (TVĐT) là 15.603 tỷ đồng, hợp đồng dự án được ký kết tháng 11/2012. Theo Bộ GTVT, trong quá trình thực hiện, do điều chỉnh quy mô, giải pháp thiết kế một số hạng mục nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, TVĐT được điều chỉnh giảm xuống còn 11.377 tỷ đồng.
Năm 2015, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung hạng mục xây dựng hầm Cù Mông và hạng mục mở rộng hầm Hải Vân vào Dự án Đèo Cả. Tại Quyết định 3107/QĐ-BGTVT ngày 5/10/2016, phương án tài chính tổng thể của Dự án được Bộ GTVT phê duyệt với thời gian hoàn vốn khoảng 28 năm, sử dụng 7 trạm thu phí gồm các trạm Ninh An, Bàn Thạch, Đèo Cả, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Phước Tượng - Phú Gia.
Sau khi bổ sung hạng mục, TVĐT Dự án nâng lên khoảng 26.154 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động là 21.106 tỷ đồng. Hạng mục hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 8/2017; dự kiến quý I/2019 sẽ hoàn thành hầm Cù Mông và quý IV/2020 hoàn thành mở rộng hầm đường bộ Hải Vân.
Bộ GTVT cho biết, đến nay sau rà soát, TVĐT của Dự án còn khoảng 22.742 tỷ đồng, giảm khoảng 3.412 tỷ đồng so với TVĐT phê duyệt tại Quyết định 3107/QĐ-BGTVT. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư để chuẩn xác TVĐT Dự án.
Nhiều yếu tố tác động đến phương án tài chính
Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thu hồi 1.800 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ còn dư đã bố trí cho Dự án Đèo Cả. Hiệu quả tài chính của Dự án, theo Bộ GTVT, bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi này.
Hơn nữa, 2 trong số 7 trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án cũng có thể gặp vướng mắc khi thu phí. Cụ thể, Bộ GTVT cho biết trạm Nam Hải Vân chỉ cách trạm Bắc Hải Vân (thu phí hoàn vốn Dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia) khoảng 12 km. Trường hợp thu phí tại trạm Nam Hải Vân, người sử dụng dịch vụ khi đi qua hầm Hải Vân sẽ phải mất phí 2 lần, kéo dài thời gian lưu thông. Về trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, Bộ GTVT chỉ ra vướng mắc là nếu thu phí ở đây sẽ dẫn đến cảnh đầu tư một nơi, thu phí một nẻo. Nhưng nếu không thu phí tại trạm này thì Dự án sẽ không bảo đảm hiệu quả tài chính.
Bên cạnh đó, theo nhà đầu tư, lưu lượng xe thực tế qua trạm Đèo Cả và Bàn Thạch (nay gọi là trạm An Dân) thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính đã duyệt vì các dự án lớn trong khu vực như Lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên), khu lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa),… chậm triển khai theo quy hoạch.
Với những vướng mắc phát sinh này, Bộ GTVT đang kiến nghị cập nhật lại phương án tài chính do lưu lượng xe giảm, bổ sung 1.800 tỷ đồng từ kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ cho Dự án; không thu phí trạm Nam Hải Vân mà sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân; không sử dụng trạm La Sơn - Túy Loan và dùng 3.200 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) để hỗ trợ thiếu hụt từ việc không thu phí trạm này.
Từ phân tích của Bộ GTVT có thể thấy, nếu giữ nguyên thu phí tại 7 trạm như ban đầu thì có thể vi phạm quy định về đặt trạm thu phí hoặc sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân; còn nếu bỏ thu tại trạm La Sơn - Túy Loan mà không được bố trí hàng nghìn tỷ đồng vốn NSNN hỗ trợ, cùng với rủi ro lưu lượng như Bộ GTVT đã chỉ ra, thì phương án tài chính của Dự án sẽ bị vỡ.
Khả năng hoàn vốn, đảm bảo hiệu quả tài chính của siêu dự án này đang hết sức bấp bênh. Và không chỉ nhà đầu tư, mà VietinBank - ngân hàng đã giải ngân hơn 10 nghìn tỷ đồng vào dự án này, có lẽ cũng sẽ phải lưu ý đến thời gian thu hồi khoản vay lớn này.