Doanh nghiệp nắm vững về sở hữu trí tuệ là đã thành công một phần trong hội nhập. Ảnh: Lê Tiên |
Mù mờ về sở hữu trí tuệ
Theo bà Phan Thị Châu, Tổng giám đốc Công ty Vĩ Long chuyên về sản xuất đông nam dược, thời điểm mới thành lập, kiến thức về SHTT và bản quyền của DN này rất kém. “Dù là DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện nhưng vì mải lo toan những việc khác mà chúng tôi gần như không để ý đến nội dung này. Chăm chút nhiều cho sản phẩm, đến khi vào được các bệnh viện rồi, chúng tôi mới ngã ngửa vì tên sản phẩm mà mình dồn công sức phát triển đã được đăng ký bản quyền” - Bà Châu cho biết và chia sẻ thêm: “Quả thật, nếu lúc đó chúng tôi không vững vàng, chấp nhận làm lại từ đầu, chúng tôi đã có thể phá sản hoàn toàn. Bài học xương máu đó chúng tôi không bao giờ quên. Tìm hiểu và thực thi quyền SHTT đối với chúng tôi và mọi DN khác đều phải là ưu tiên hàng đầu, nếu không sẽ bị đào thải”.
Câu chuyện của bà Châu được Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Nguyễn Như Quỳnh khẳng định là ví dụ điển hình nhất cho mọi DN đã và đang chờ đón cơ hội từ TPP. “Yêu cầu thực thi về SHTT trong TPP là cao nhất so với các hiệp định thương mai tự do (FTA) khác. TPP cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc bảo hộ quyền SHTT. Đồng thời, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong TPP là rất dễ dàng” - bà Quỳnh khẳng định.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay, chúng ta mới chỉ xác lập quyền SHTT, còn việc thực thi thì rất hạn chế. Cụ thể, các DN gần như không có động thái chuẩn bị về vấn đề này. Khi nhận thức không đầy đủ thì rất dễ vi phạm luật và rơi vào tranh chấp, kiện tụng dẫn đến thiệt hại nặng nề về kinh tế, thậm chí dẫn tới phá sản.
Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN thông tin thêm, việc đăng ký và bảo vệ quyền SHTTchưa được các DN Việt Nam quan tâm đúng mức. Hiện nay, vẫn có khá nhiều DN chưa thực sự am hiểu những quy định về việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT. “Nhận thức về SHTT ở các DN, tập đoàn lớn còn ở mức trung bình. Riêng đội ngũ DN nhỏ và vừa, với tỷ lệ 98% thành phần kinh tế lại gần như mù mờ về SHTT. Đây là thực trạng đáng quan ngại nhất khi TPP chính thức có hiệu lực trong nay mai”, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết.
Tự phòng vệ trước khi hội nhập
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo, nếu DN nắm vững nguyên tắc về SHTT thì đã nắm vững một phần của công thức hội nhập thành công. Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, Phạm Hữu Khánh Toàn cho biết, việc tuân thủ yêu cầu, bảo đảm thực thi tốt quyền SHTT trong TPP là một trong những yếu tố giúp bảo vệ DN cũng như bảo vệ thành quả của người lao động trong DN. Đồng thời, khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo. Thực thi hiệu quả quyền SHTT sẽ góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN, người tiêu dùng và cho xã hội, lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút nguồn lực đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
“Tôi lo lắng nhất cho các DN sản xuất, kinh doanh đông dược, dược liệu cổ truyền. Vì tôi quan ngại rằng, những DN này - thực ra là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ - sẽ bị vùi dập hoàn toàn vì gần như đối với họ, việc thực thi quyền SHTT là điều xa vời”, ông Toàn khẳng định.
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Khắc Thanh cho rằng, hiện nay, quyền SHTT đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi DN. Quyền SHTT là công cụ pháp lý bảo vệ, giúp DN khởi sự kinh doanh dù trên môi trường kinh doanh trực tiếp hay thương mại điện tử.
Năm 2016 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO) chọn là năm hành động vì quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số. “Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống quản lý về đăng ký bảo hộ và thực thi quyền SHTT đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Tuy nhiên, sự chuẩn bị hiệu quả nhất, bền vững nhất vẫn phải bắt đầu từ chính các DN”, ông Thanh cho biết.
Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN
“Sở hữu trí tuệ là một chương với sức tác động bao trùm và mạnh mẽ tới mọi DN. Trong TPP, việc vi phạm quyền SHTT của mọi DN/cá nhân đều có thể tăng cường xử lý hình sự. Do đó, tốt nhất, mọi DN muốn tồn tại trong sân chơi TPP, bắt buộc phải thay đổi nhận thức về xác lập và thực thi quyền SHTT”.
Phó chủ tịch Hội SHTT TP.HCM
“Thực thi nghiêm túc quyền SHTT không những giúp cho DN kinh doanh lành mạnh, bền vững, mà còn giúp cho việc mua sắm công, đấu thầu sử dụng ngân sách dễ dàng lựa chọn được sản phẩm/hàng hóa đảm bảo chất lượng hơn”.