Tại các văn phòng công chứng, số lượng người đến giao dịch giảm mạnh so với tuần trước. |
Trung tuần tháng 4, trên các con phố lớn ở thị trấn Dương Đông như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực, 30/4…, không còn cảnh tượng chào mời, rao bán đất rôm rả của giới cò, xen lẫn với những tiếng cò kè ngã giá của người đi “săn” đất đến từ các tỉnh phía Bắc, hay TP HCM…, như trước.
“Chỉ mới tuần trước, người già, trẻ con không dám qua đường vì xe cộ chạy nườm nượp trên phố, nhưng giờ thì đỡ hơn rồi”, ông Tám Bảnh – hộ dân có nhà ở đầu đường Trần Hưng Đạo, nói.
Trên các trục đường chính của thị trấn An Thới, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu…, hàng nghìn bảng áp phích ghi rõ địa chỉ từng lô đất, số điện thoại liên hệ với chủ đất cũng được tháo dỡ.
Trong khi đó, tại các văn phòng môi giới bất động sản, Văn phòng công chứng, không khí cũng vắng lặng. Lượng người có nhu cầu đến giao dịch giảm nhiều so với trước.
Ngày 19/4, tại Văn phòng công chứng Phú Quốc nằm trên đường 30/4 chỉ còn khoảng trên dưới 100 người dân đến giao dịch. Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy tranh nhau làm các thủ tục mua bán đất cũng không còn. Không ít sàn giao dịch bất động sản cũng đóng cửa.
“Nếu tuần trước anh em chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng yêu cầu của người dân thì nay, tần suất công việc đã dần trở lại bình thường”, cán bộ phòng công chứng nói.
Đường Trần Hưng Đạo - trục đường chính dẫn vào trung tâm Phú Quốc khá vắng trong ngày 19/4.
Anh Sỹ - người dân sống lâu năm ở Phú Quốc cho biết, tuy giới cò và người mua không còn làm rầm rộ như trước, nhưng giá đất ở trên các đường trung tâm vẫn đang “phình to” từng giờ. “Một công đất (1.000 m2) tuần trước chỉ khoảng 80 tỷ, nay có giá hơn 120 tỷ”, anh Sỹ nói và lý giải, nguyên nhân khiến người mua, kẻ bán giảm so với trước là do ngành chức năng “làm căng”, nhưng về “mặt chìm”, người mua vẫn thông qua cò để tìm mua đất.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu Lê Thị Hằng nhìn nhận, tình trạng sốt đất ở địa phương có vẻ lắng xuống, nhưng thực tế giá đất tại xã vẫn còn cao. “Đất mặt tiền, có sổ đỏ mỗi công hiện có giá 8 đến 12 tỷ đồng”, bà Hằng nói và cho biết, đối với những trường hợp đất không hợp pháp, người mua và người bán tự thỏa thuận, chính quyền không nắm được.
Nỗi lo của người dân và chính quyền không phải là không có cơ sở khi nhiều người tự ý san lấp, lấn chiếm đất rừng, suối để bán.
Ông Nguyễn Tấn Trọng ở trị trấn Dương Đông là người bức xúc trước việc các con suối tự nhiên đang bị lấn chiếm trái phép. “Con suối trước nhà tôi trước rộng trên 20 m, nhưng chỉ mấy năm gần đây nó bị lấn chỉ còn khoảng 4 m”, ông Trọng cho biết.
Trước bức xúc của người dân, hai tháng trước, ngành chức năng xuống đo đạc lại con suối, phát hiện người dân có đất hai bên bờ lấn dần ra làm thay đổi hiện trạng tự nhiên rất nhiều.
Tại con suối ở khu phố 6, đang có những công trình kè lấn chiếm ngổn ngang. Người dân cho biết, để “né” cán bộ quản lý, chủ đất hay doanh nghiệp chỉ cho thi công vào ban đêm, ngày nghỉ. Riêng con suối ở xã Cửa Dương cũng đang “kêu cứu” vì nằm trong tình trạng tương tự.
Cơn sốt giá không chỉ làm cho tình hình đảo ngọc phức tạp, mà nó còn khiến nhiều nông dân tiếc nuối khi đánh mất hàng chục, thậm chí trăm tỷ đồng, do đã vội bán hết đất ở thời điểm giá rẻ.
Ông Nguyễn Văn Thương ở khu phố 5, thị trấn Dương Đông kể, ông và người bạn có chung gần 3 ha đất ở xã Cửa Cạn, vào năm 2014. Khi đất bắt đầu tăng dần từ 20 triệu lên 40 triệu một công (1.000 m2), nên ông vội bán. Nhưng chỉ đến cuối năm, giá đất đã lên 1,2 tỷ mỗi công, nay là 8 tỷ. “So với giá bây giờ, tính ra tôi mất khoảng 30 tỷ đồng, còn người bạn mất khoảng 200 tỷ”, ông Thương ngậm ngùi nói.