Nhóm tác giả vừa giành giải nhất Công nghệ thông tin hệ thống triển vọng của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 |
Trong một bài phát biểu hồi tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Chưa bao giờ khởi nghiệp nhận được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này”.
Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi cởi mở với anh Lê Công Thành, Trưởng nhóm tác giả vừa giành giải nhất Công nghệ thông tin hệ thống triển vọng của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC) về câu chuyện khởi nghiệp cũng như những trăn trở trong lĩnh vực đầy thử thách và vinh quang này.
Chào anh! Anh có thể giới thiệu về sản phẩm của mình cho chúng tôi, những người không hiểu biết nhiều về công nghệ?
SMCC là hệ thống đi quét toàn bộ thông tin xuất bản hàng ngày trên Internet: báo điện tử, mạng xã hội, diễn đàn… Đó là những thông tin công khai trên Internet. Ví dụ trên mạng xã hội, đó là những bài viết được public chứ không cài đặt cho bạn bè, gia đình… Thu thập xong, hệ thống dùng trí tuệ nhân tạo phân tích ngữ nghĩa, làm cho máy móc hiểu được như con người. Qua đó có thể lọc được các thông tin như chủ đề mọi người đang nói đến, đang khen chê ai, phát hiện khủng hoảng truyền thông khi nó vừa xuất hiện… Sản phẩm này được cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan an ninh…
Việc quét thông tin này có vi phạm nguyên tắc bảo mật hay quyền riêng tư của các chủ thể không, thưa anh?
Hoàn toàn không. Như tôi đã nói, đó là các thông tin mà các chủ thể công bố công khai.
Anh từng tiết lộ việc cho ra sản phẩm này dưới phiên bản tiếng Anh. Vậy nó khác với các phiên bản hiện có trên thế giới như thế nào?
Có thể nó sẽ không khác đâu. Tuy nhiên chúng tôi có thể cạnh tranh về giá, hướng ứng dụng khác nhau. Hoặc có thể là cạnh tranh về đối tượng thị trường. Ví dụ chúng tôi chỉ tập trung làm cho thị trường có giá trị người dùng cao nhưng dân số thấp như Singapore, New Zealand, Australia… Giá trị người dùng cao và dân số thấp nên mình có thể quét được thông tin một cách dễ dàng hơn. Nếu để đi quét mọi thứ trên thế giới cần một hệ thống rất khổng lồ. Tầm của mình chưa thể với tới.
Không chỉ tiếng Anh, sản phẩm của chúng tôi cũng có thể có phiên bản tiếng Thái, tiếng Indonesia, đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường các quốc gia này, với mức giá tương xứng. Tất nhiên, để tốt như người Việt làm tiếng Việt là bất khả thi.
Hẳn chỉ có các doanh nghiệp lớn, cơ quan nhà nước mới cần đến phần mềm của anh?
Không hẳn vậy. Tôi ví dụ, vợ tôi đăng một mẩu tin là đang cần mua một loại son gì đấy, ai có giới thiệu giúp. Tuy nhiên, nhiều ngày qua đi mà vẫn không có phản hồi. Tôi thử lấy tên loại son đó tìm kiếm trên hệ thống của mình thì ra khá nhiều người bán loại son đó. Người bán son vì vậy nếu sử dụng sản phẩm của chúng tôi thì đã tìm ra khách hàng là vợ tôi. Mà, bạn biết đấy, Việt Nam hiện nay có rất nhiều cá nhân sống bằng nghề bán hàng online. Họ thậm chí còn không thành lập doanh nghiệp.
Công ty CP Công nghệ Chọn lọc thông tin (InfoRe) được đánh giá là một Start-up tương đối thành công khi bước đầu đã gọi vốn được 200.000 USD. Ý tưởng gọi vốn đến với anh như thế nào?
Ban đầu chúng tôi hoạt động theo mô hình kinh doanh bình thường, gắn bó với nguồn vốn vay ngân hàng, tiền tự có, vay bạn bè…, mình phải trả lại cả gốc lẫn lãi. Chúng tôi phải rất chật vật trong việc vừa sáng tạo, vừa phải tìm khách hàng, tạo doanh thu để bảo đảm không bị cụt vốn. Tôi nghiên cứu và nhận thấy rằng trên thế giới có một mô hình kinh doanh có tên là Start-up. Nếu theo mô hình này, thay vì vay mượn hay lấy vốn tự có, chúng tôi sẽ đi gọi vốn đầu tư từ bên ngoài vào. Khi gọi vốn mình sẽ phải trình phương án tiêu hết số tiền đầu tư, chứ không phải sinh lợi nhuận trên đó. Cách tiếp cận hoàn toàn khác với việc kinh doanh thông thường từ trước đến giờ của chúng tôi.
Mục đích của nhà đầu tư rót vốn vào chúng tôi không phải là lợi nhuận kinh doanh mà chúng tôi có được, mà là giá trị tăng thêm của doanh nghiệp. Người ta đưa cho mình một số tiền, ví dụ 1 tỷ đồng, và yêu cầu mình tiêu hết số tiền đó trong 1 năm, đồng thời nâng giá trị của công ty lên khoảng 5 tỷ đồng. Mình không phải lo trả tiền, mà tập trung vào sáng tạo sản phẩm, nâng giá trị doanh nghiệp. Nhà đầu tư, đến lúc này, sẽ rút vốn bằng cách bán cho nhà đầu tư khác, và thu về số tiền lớn hơn trước rất nhiều.
Phải đến đầu năm 2016 InfoRe mới bắt đầu gọi vốn. Nếu có cơ hội quay trở lại, anh có quyết định gọi vốn sớm hơn để rút ngắn quãng thời gian chật vật?
Không. Tôi không khẳng định mô hình kinh doanh truyền thống hay Start-up tốt hơn. Chúng tôi cần một thời gian tích lũy giá trị, kinh nghiệm. Nếu gọi vốn sớm, chưa chắc đã có nhà đầu tư nào chấp nhận rót vốn vào. Start-up là mô hình kinh doanh phù hợp nhất với chúng tôi lúc này.
Bao giờ anh sẽ thực hiện gọi vốn vòng 2 và nhà đầu tư anh hướng đến là ai?
Chúng tôi sẽ gọi vốn vòng 2 trong vòng 6 tháng tới. Như vậy khoảng cách giữa 2 vòng gọi vốn cách nhau khoảng 1 năm rưỡi, không quá gấp gáp. Gọi vốn là cả một quá trình chuẩn bị cẩn thận. Hiện Công ty được định giá ở mức 1 triệu USD. Chúng tôi kỳ vọng trong 6 tháng tới giá trị Công ty sẽ ở mức 3 triệu USD. Khi đó, nhà đầu tư rót 10% vốn, tương đương khoảng 300.000 USD. Chúng tôi hướng tới nhà đầu tư sẵn sàng với số tiền đó, không quan trọng trong nước hay ngoài nước. Họ đơn giản là nhà đầu tư, họ tìm kiếm dự án khả thi, để sau một thời gian, họ lại tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư ở vòng gọi vốn tiếp theo, và ghi nhận lợi nhuận. Đó là công việc làm ăn, kiếm tiền đơn thuần.
Anh từng bảo Start-up không phải con đường màu hồng. Nhưng tôi thấy nó cực kỳ sáng sủa, ít nhất đối với bản thân anh?
Trước khi chuyển sang mô hình Start-up, hoạt động của chúng tôi chưa từng thành công về mặt tài chính. Bao giờ cũng chỉ có một số tiền rất nhỏ để xoay vòng, khoảng 100 triệu đồng thôi. Rất vất vả. Vì 100 triệu đồng giỏi lắm cũng chỉ có thể tạo ra khoảng vài chục triệu đồng khác thôi. Cứ lần hồi như vậy, sản phẩm phát triển rất chậm, gần như giậm chân tại chỗ. Mô hình Start-up tôi nhận thấy rất hay, và cực kỳ phù hợp với doanh nghiệp làm công nghệ.
Bởi vì công nghệ cần tính sáng tạo rất cao. Ví dụ từ số 0, trong đầu mình có ý tưởng gì đó, chỉ cần 1 cái máy tính, ngồi lập trình ra sản phẩm, từ số 0 sẽ biến thành một khoản tiền lớn. Ví dụ Nguyễn Hà Đông có thể kiếm hàng chục nghìn USD mỗi ngày chỉ qua trò chơi Flappy Bird.
Anh thấy môi trường Start-up như thế nào từ 2012 đến nay?
Đầu tiên tôi muốn nói rằng Start-up đang bị hiểu nhầm. Đa phần Start-up tự nhận ở Việt Nam đang hoạt động theo mô hình kinh doanh thông thường: vay vốn và tìm kiếm lợi nhuận. Tôi cho rằng chưa từng gọi được vốn thì không được gọi là Start-up. Ở Việt Nam không có nhiều Start-up như người ta vẫn tưởng. Đó thực sự chưa phải là một phong trào.
Start-up chưa được hiểu đúng nên sự hỗ trợ cũng đang rất hạn chế. Việc hỗ trợ đúng hướng cũng mới chỉ xuất hiện trong thời gian rất gần đây. Và cũng mới chỉ dừng lại ở ý tưởng. Hỗ trợ lớn nhất chúng tôi có được đến từ truyền thông. Còn nhìn chung Start-up vẫn đang tự thân vận động.
Hiện tại các quỹ đầu tư đã hoạt động không biên giới. Nhà nước vì vậy cần có chính sách thông thoáng hơn. Ví dụ về thủ tục xin giấy phép đầu tư. Cách đây 1 năm các quỹ mà chúng tôi tiếp xúc cho biết họ rất khó vào Việt Nam, có quỹ thậm chí còn yêu cầu chúng tôi đăng ký doanh nghiệp tại Singapore thì họ mới đầu tư.
Anh có chia sẻ gì với các Start-up?
Start-up là một mô hình ít rủi ro, không bao giờ có chuyện “tay trắng làm nên cục nợ”. Trong trường hợp xấu nhất, bạn cũng chỉ về tay trắng mà thôi, vì bạn không vay nợ ai cả. Nhà đầu tư rót vốn vào cho bạn và họ xác định bạn sẽ tiêu hết số tiền đó. Chính vì vậy mô hình này rất thích hợp với các bạn trẻ trong tay không có gì, chỉ có những thứ trong đầu, dám làm dám chịu, dám chấp nhận thất bại. Tôi thực sự mong muốn có nhiều bạn trẻ tham gia vào cộng đồng này để tạo ra giá trị cho xã hội.
Việt Nam trong thời gian tới sẽ không còn ưu thế dân số trẻ nữa. Tôi hi vọng Start-up có thể trở thành đòn bẩy giải quyết lao động xã hội, để đến giai đoạn dân số bắt đầu già, chúng ta đã có những doanh nghiệp thực sự vững mạnh.
Start-up không phải là con đường màu hồng, nhưng cũng không phải quá hiểm trở. Đó là con đường đủ chông gai và đủ cơ hội cho người trẻ.
Xin chân thành cảm ơn anh!