Thực tế, số lượng startup Việt mở rộng ra nước ngoài chưa nhiều so với số lượng startup hoạt động ở Việt Nam và chưa có kế hoạch xuất ngoại. Ảnh: Phương Thu |
Nhiều con đường, nhiều cách đi
Nhờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Chương trình K-startup Grand Challenge 2018, Ami – một ứng dụng giúp quản lý bất động sản cho thuê của người Việt – được hỗ trợ kinh phí để tìm hiểu thị trường và thành lập Công ty Ami Korea tại Hàn Quốc. Mục tiêu của Ami Korea là tìm hiểu thị trường mới để chỉnh sửa và phát triển các phiên bản của sản phẩm Ami trong lĩnh vực quản lý nhà cho thuê, tòa nhà chung cư để phù hợp với thị trường.
Ông Lê Hoàng Nhật, CEO của Ami cho biết, hiện tại vấn đề pháp lý đã hoàn chỉnh và Ami đã tuyển dụng 1 nhân sự người Hàn để bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu thị trường. Ngoài ra, startup này cũng đang tìm hiểu các thị trường khác là Malaysia và Campuchia qua một số đối tác sẵn sàng hỗ trợ triển khai.
Với ông Nguyễn Hoà Bình, CEO của tập đoàn công nghệ Next-tech, chuyện mang startup ra thị trường nước ngoài là bước đi cần thiết để gia tăng cơ hội phát triển cho dự án khởi nghiệp. “Chúng tôi đã triển khai một số sản phẩm khởi nghiệp ở nước ngoài. Đến nay, các dự án này đều khá thành công về mặt kinh tế, tức là đã qua mức hoà vốn và bắt đầu có lãi. Fastgo là dự án mới triển khai ở Myanmar và vừa ra mắt tại Singapore nên chưa thể nói trước được về kết quả hoạt động trong tương lai. Tuy nhiên, đó là việc cần làm để mở rộng thị trường cho sản phẩm”, ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Trong khi đó, Logivan – nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe tải và logistics – cho biết đã tính đến chuyện mở rộng thị phần ra nước ngoài nhưng đến nay chưa hiện thực hoá được kế hoạch này.
Nhận xét về xu hướng này của các startup Việt Nam, ông Phạm Ngọc Huy - Quản lý Chương trình đầu tư và ươm tạo của Đề án thung lũng Silicon Valley Việt Nam (VSV) cho rằng, thực tế, số lượng startup Việt mở rộng ra nước ngoài chưa nhiều so với số lượng startup hoạt động ở Việt Nam và chưa có kế hoạch xuất ngoại.
Theo ông Phạm Ngọc Huy, một nền tảng hoặc ứng dụng công nghệ muốn đi ra nước ngoài, trước hết phải tính đến tính tương thích thị trường. “Thường là các dự án đã phát triển tốt ở Việt Nam vài năm, tiềm lực đủ mạnh mới tính chuyện đó. Cũng có startup có kế hoạch xuất ngoại ngay từ khi thiết kế sản phẩm nhưng số này không nhiều lắm. Mặt khác, các lĩnh vực có điểm tương đồng giữa khách hàng Việt Nam và khách hàng ở nước khác thì có thể bước đi mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, lĩnh vực du lịch có dư địa phát triển ở thị trường nước ngoài tốt nên một số startup du lịch đã và đang mở rộng tại nước ngoài để thu hút thêm khách cho thị trường Việt Nam”, ông Phạm Ngọc Huy nói.
Nhiều khó khăn và thử thách
Dày dạn kinh nghiệm đem doanh nghiệp ra nước ngoài, ông Nguyễn Hoà Bình chia sẻ: “Làm startup ở Việt Nam khó một thì ở nước khác sẽ khó gấp ba vì mức độ am hiểu địa phương còn hạn chế, nguồn nhân sự không dễ tìm kiếm và vốn liếng mỏng. Trong đó, nhân sự là bài toán khó nhất. Chọn nhân sự Việt Nam đưa đi thì thiếu và yếu, chọn nhân sự nước ngoài thì chưa đủ độ tin cậy và đòi hỏi chi phí rất cao. Đây lại là yếu tố quyết định phần thắng của mỗi dự án. Dù khó như vậy nhưng chúng tôi vẫn quyết làm để tạo thêm cơ hội giành thị phần và tăng người dùng cho sản phẩm”.
“Để giải quyết vấn đề này, Ami tìm cách tiếp cận thị trường trực tiếp, tìm hiểu để thấu hiểu thị trường và người dùng, từ đó là đầu vào để giúp việc cải tiến sản phẩm cho phù hợp nhất với thị trường mới. Ami chọn thuê nhân sự là người bản xứ tại thị trường mình muốn tiếp cận”, CEO của Ami nói.
Từ góc độ chuyên gia tư vấn độc lập, ông Leo Nguyễn nhận xét: “Việc tìm ra những cơ hội kinh doanh ở thị trường mới cho thấy tầm nhìn của các nhà sáng lập startup, tuy nhiên, cần tính đến 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là chinh phục được nhóm khách hàng trả tiền ở nước ngoài, trong khi trong nước các khách hàng trả tiền chưa cao. Hai là, có mô hình kinh doanh khác biệt so với sản phẩm tương tự ở nước ngoài. Ba là, startup sẽ trở thành một cấu phần trong nền tảng của đối tác nước ngoài, xu hướng này thường tiến tới một cuộc sáp nhập”.
Giải bài toán thị trường và nhân sự
Trong khi nhiều startup đã bắt đầu triển khai hoặc có thâm niên trên thị trường nước ngoài, nhiều startup khác lại ngại ngần và phân vân. Ông Leo Nguyễn cho rằng: “Việc vươn mình ra đòi hỏi một sự sẵn sàng về nguồn lực dài hạn, nếu không sẽ khó có thể cạnh tranh được với các startup bản địa – những đối thủ vốn am hiểu văn hóa kinh doanh, đã có uy tín và được đầu tư mạnh. Việc lựa chọn chiến lược nào, đều phải ở tình huống thực tế và "biết mình", "biết ta" mới có cơ hội thành công”.
Bình luận về điều này, ông Lê Hoàng Nhật nói: “Tùy vào kế hoạch phát triển và mở rộng của mỗi startup thì mỗi nhóm lựa chọn hướng đi phù hợp. Trong thời gian đầu, nếu sản phẩm có thể phục vụ cho thị trường trong nước thì tập trung nguồn lực để triển khai cho thị trường trong nước trước, vì lúc đó còn hạn chế về nhiều mặt như tài chính, nhân lực, mối quan hệ. Sau này, khi đã có chỗ đứng nhất định, nội bộ startup và tài chính đã ổn định, cả nhóm có thể tự tin để phát triển ra nước ngoài. Mở ra thị trường nước ngoài là nước đi trong chiến lược tổng thể nên các startup nên cân nhắc kỹ và cẩn trọng chắc chắn từng bước”.
Tương đồng quan điểm như trên, ông Phạm Ngọc Huy cho rằng, các startup có kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giảm thiểu rủi ro.
Đó là tìm hiểu thị trường nước ngoài rất kỹ để xác định tính phù hợp của mô hình kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, mô hình kinh doanh rất thành công ở Việt Nam nhưng chưa hẳn đã được đón nhận ở thị trường khác. Đồng thời, tính tương thích này bao gồm cả yếu tố pháp luật để tránh rủi ro. “CEO của startup nên “nằm vùng” ở thị trường mới một thời gian nhất định để tìm hiểu hết mọi nhẽ trước khi quyết định tiếp cận”, ông Huy nói.
Sau khi đã xác định được thị trường, bài toán không dễ dàng với startup là nhân sự. “Làm thế nào để chọn được người phù hợp, kiểm soát hoạt động hiệu quả để đạt các mục tiêu đặt ra là vấn đề không đơn giản”, ông Huy chia sẻ.
Từ kinh nghiệm làm việc với nhiều startup Việt Nam và startup nước ngoài đến Việt Nam, ông Huy cho biết, một cách làm thông minh khác là các startup nên tìm kiếm những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở các quốc gia mà mình định phát triển thị trường. “Đa phần các nước phát triển đều có chương trình này, các startup có thể nộp hồ sơ gia nhập, tìm kiếm đối tác địa phương thông qua chương trình đó, và tận dụng lợi thế từ họ”, ông Huy nhấn mạnh.