Cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý trên 300.000 tỷ đồng. Ảnh: Internet |
Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm vào Quỹ BHXH để đóng bảo hiểm cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 và hoàn thành vào năm 2020.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan BHXH đang quản lý số tiền vô cùng lớn và tăng mạnh hàng năm, từ mức 83.973 tỷ đồng năm 2008 lên 218.742 tỷ đồng vào năm 2012 và hiện là trên 300.000 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng chủ yếu là cho NSNN vay, mua trái phiếu chính phủ, mua công trái giáo dục và cho các ngân hàng thương mại vay nhưng hiệu quả không cao (lãi vay giảm dần) do chủ yếu tập trung cho NSNN vay.
Năm 2007, BHXH cho NSNN vay chiếm gần 9% tổng vốn đấu tư; mua trái phiếu chính phủ chiếm trên 29%; mua công trái giáo dục là 1,3% và cho các ngân hàng thương mại vay gần 61%. Đến năm 2012, BHXH cho NSNN vay 48,5% tổng số tiền đầu tư, trong khi đó, cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất cao hơn chỉ còn 30,4% tổng số tiền đầu tư, vì thế lợi nhuận cũng giảm dần từ 11,76%/tổng mức đầu tư xuống còn 10% vào năm 2012 và tiếp tục giảm mạnh trong 2 năm gần đây do lãi suất trên thị trường giảm mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, nhìn chung, công tác đầu tư Quỹ BHXH trong thời gian vừa qua chưa thật hiệu quả, thậm chí còn chưa bảo toàn được giá trị. Cụ thể là, lãi thu được từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH có năm còn thấp hơn cả chỉ số lạm phát. Đơn cử như năm 2008, lợi nhuận từ việc đầu tư chỉ có 11,76% trong khi lạm phát là 19,89%. Năm 2010 lợi nhuận thu được chỉ có 9,17% trong khi lạm phát là 11,75%. Năm 2011, lợi nhuận thu được chỉ có 9,84% tức là chỉ bằng nửa tốc độ lạm phát (18,13%).
Trước những khó khăn này, Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 quy định mức chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2018 như sau: Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,3% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội; Mức chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp hằng năm bằng 2,3% dự toán thu, chi bảo hiểm thất nghiệp, được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong lĩnh vực BHXH bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, trước khi Luật BHXH được ban hành, mức dự toán chi phí quản lý BHXH được tính tương đương 4,5% trên tổng thu hàng năm nhưng sau đó giảm dần xuống mức 3,6% trên tổng thu vào năm 2006, và 3,43% vào năm 2007. Đến năm 2012 và 2013, hằng năm cơ quan này chỉ được sử dụng số tiền tương đương 2,64% và 2,34% tổng số thu. Chi phí quản lý BHXH phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là mô hình quản lý, thiết kế các chế độ, chính sách BHXH, khối lượng công việc và kết quả hoạt động đầu tư nhằm tăng trưởng Quỹ BHXH hằng năm. Hiện nay chi phí quản lý BHXH được chia làm một số nhiệm vụ chi, gồm chi tuyên truyền, chi cải cách thủ tục hành chính, chi cho tổ chức thu, chi BHXH, hoạt động của bộ máy..., vì vậy, quy định mức chi tương đương 2,3% là hợp lý.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, BHXH là cơ quan đặc thù: vừa là cơ quan hành chính vì tiến hành các thủ tục hành chính, nhưng lại không phải cơ quan hành chính vì không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; vừa là cơ quan sự nghiệp vì quản lý thu chi, nhưng lại không phải cơ quan sự nghiệp, vì không áp dụng chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, về biên chế và tài chính; vừa là doanh nghiệp, nhưng lại không phải là doanh nghiệp, vì không quyết định thu nhập cho người lao động, vì thế cần phải quy định mức thu nhập đặc thù cho ngành này (tương tự như kho bạc nhà nước, thuế, hải quan…).