Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
4 nội dung cần làm rõ
Xung quanh đề xuất sửa đổi khái niệm DNNN trong Dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị việc sửa đổi phải bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW. Một số ý kiến khác đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, có quy định phù hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), đồng thời, xác định tiêu chí phân loại DNNN và DN có vốn nhà nước để làm cơ sở phân loại, sắp xếp DNNN.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc quy định DNNN gồm các DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12. Quy định tỷ lệ như Dự thảo Luật quay trở lại quy định trước đây của Luật DN năm 2005. Tại Báo cáo số 73/BC-CP tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật, Chính phủ đề nghị tiếp tục bảo lưu nội dung đã trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của quy định trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần làm rõ thêm 4 nội dung.
Một là, quy định trên tác động thế nào đến hệ thống pháp luật hiện hành và hướng khắc phục nếu xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi Luật này có hiệu lực. Việc sửa đổi khái niệm về DNNN cần dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan về DNNN và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật DN (sửa đổi).
Hai là, cần đánh giá tác động toàn diện về cơ chế chính sách, quản trị DN... của quy định trên đối với hoạt động của các DN hiện nay do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ba là, việc quy định như Dự thảo Luật có thể tác động thế nào đến tâm lý của các cổ đông khác là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư tiềm năng, ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa và môi trường đầu tư kinh doanh.
Bốn là, đánh giá sự phù hợp giữa Dự thảo Luật với nội hàm của yếu tố "chi phối" như yêu cầu của Nghị quyết số 12. Quy định của Dự thảo Luật phải bảo đảm DNNN là DN mà Nhà nước có thể chi phối các vấn đề của DN.
Cơ bản không tác động đến hệ thống pháp luật
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hiện khái niệm về DNNN chỉ nằm trong 8 - 9 luật. Phần lớn các luật này được ban hành trước khi Luật DN năm 2014 có hiệu lực, tức là lấy khái niệm DNNN theo Luật DN năm 2005. Như vậy, khái niệm DNNN trong Luật DN năm 2005 giống như đề xuất tại Dự thảo Luật DN (sửa đổi), do đó, tác động về mặt luật pháp hiện hành khi sửa khái niệm DNNN như đề xuất là không lớn. Mặc dù vậy, theo ông Trung, khi thay đổi khái niệm DNNN như đề xuất tại Dự thảo Luật cũng làm tăng số lượng DNNN so với quy định hiện hành.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo đánh giá tác động khi thay đổi khái niệm DNNN. Theo đó, ở phương án DNNN là DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, việc thay đổi khái niệm DNNN cơ bản không làm tăng chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các chủ thể đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.
Đối với quản lý nhà nước và quá trình cơ cấu lại DNNN, phương án này có tác động đến trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan; làm tăng số lượng DNNN, nhưng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế về tiêu chí xác định DNNN theo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước...
Xét về tổ chức quản lý và quản trị DN, phương án này có nhiều tác động tích cực tới DN như: Chống tập trung quyền lực vào một cá nhân vừa đại diện vốn vừa giữ các vị trí quan trọng khác trong công ty, hạn chế được xung đột lợi ích; kiểm soát được giao dịch với người có liên quan, người quen, “sân sau” nhằm chiếm đoạt lợi ích của DN, Nhà nước; gia tăng cơ hội kinh doanh, thu hút vốn bên ngoài cho DN...
Về phía Nhà nước, phương án đề xuất còn thúc đẩy được quá trình cổ phần hóa DNNN; bảo toàn được vốn đầu tư của Nhà nước vào DN.