Sửa đổi pháp luật về thuế xuất nhập khẩu là yêu cầu cấp thiết trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực |
Tại Phiên họp, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.
Một trong những lý do cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, là xuất phát từ thực tế việc ban hành Luật trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực với nhiều nội dung cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh như miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư, thuế phòng vệ thương mại,...
Đồng thời, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nhấn mạnh việc cần thiết sửa đổi Luật để đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết quy định trong Hiệp định TPP khi được Quốc hội thông qua, cũng như các hiệp định thương mại tự do đang thực hiện hoặc vừa ký kết.
Trong khi đó, từ năm 2018, Việt Nam tham gia và thực hiện đầy đủ Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN, theo đó thuế nhập khẩu từ ASEAN sẽ về 0%. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế là cần thiết. Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế cũng cho thấy, qua quá trình thực hiện, nhiều nội dung trong các luật về thuế còn bất hợp lý, không còn phù hợp.
Chính sách thuế, thuế suất sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và tăng trưởng, cũng như ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Quy định đối tượng nộp thuế là tương đối ổn định và việc nộp thuế thì phải minh bạch, kể cả chủ thể nộp thuế cũng phải minh bạch và tính ổn định cũng rất cao. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần nghiên cứu và quy định sao cho thật cụ thể, rõ ràng và minh bạch, đồng thời đề nghị cân nhắc việc đưa quy định về nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất vào Luật.
Ngoài ra, cần xem xét lại việc luật quy định còn mang tính quan điểm, định hướng vì doanh nghiệp và người dân cần sự minh bạch và rõ ràng để đóng thuế. Theo đó, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, hiện giờ chúng ta hội nhập sâu rộng rồi và nếu trong luật cứ ghi mang tính quan điểm thì chỉ phù hợp với thời gian cách đây 10 năm.