Sửa luật thuế đừng theo kiểu “hành” 80% doanh nghiệp tử tế

Đó là cảnh báo của TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, đang được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 11 này. 
TS. Trần Du Lịch
TS. Trần Du Lịch

Sau khi được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, theo ông, dự thảo luật đã rõ ràng, hợp lý chưa?

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những vướng mắc nhất của luật thuế khi thực thi là từ ngữ mập mờ, khó hiểu. Ví dụ, luật quy định về sản phẩm qua sơ chế, vậy thế nào là sơ chế? Điều này gây nên cách hiểu không giống nhau, dẫn đến nhiều vấn đề cơ quan thuế không biết áp dụng kiểu gì cho phù hợp.

Do đó, vấn đề đầu tiên cần khắc phục là phải đảm bảo làm rõ tất cả các khái niệm, không để hiểu khác nhau và mập mờ, dẫn đến gây khó cho cả doanh nghiệp, người dân, lẫn cơ quan tổ chức thu thuế. 

Liên quan đến mức phạt chậm nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, mức 0,04%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp là cao, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đã hỏi các cơ quan thuế rằng, nếu một đơn vị chây ỳ, có tiền mà không đóng thuế, thì cơ quan thuế dùng biện pháp gì? Họ nói, nếu doanh nghiệp có tiền mà không đóng thuế, thì cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng (nơi doanh nghiệp mở tài khoản - PV) trích ra để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chứ không phải đợi phạt. Còn trường hợp phạt là người đóng thuế không có khả năng thu xếp, có khi phải đi vay tiền để nộp phạt.

Tôi đề nghị, không nên thỏa hiệp giữa mức 0,03%/ngày và 0,05%/ngày để đưa ra mức 0,04%/ngày. Mức này không có lý lẽ nào thuyết phục. Theo đó, tôi đề nghị, vẫn mức 0,03%/ngày (hơn 10%/năm, tương đương lãi vay ngân hàng). Với mức này, coi như Nhà nước cho người nộp thuế vay, thay vì họ phải lòng vòng chạy qua ngân hàng vay tiền để trả nợ thuế nếu muốn không phải nộp phạt. 

Doanh nghiệp, người dân chậm nộp thuế thì bị truy thu, phạt, trong khi cơ quan thuế, cán bộ thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp theo quy định, thậm chí thu thừa thuế thì không chịu trách nhiệm gì. Như thế có công bằng không, thưa ông?

Người nộp thuế sai phạm thì bị phạt, do đó để đảm bảo công bằng, sòng phẳng, khi cơ quan thuế, cán bộ thuế vi phạm như: chậm hoàn thuế, thu thừa tiền thuế của người dân, doanh nghiệp, hoặc có các hành vi vi phạm khác, thì cần có quy định buộc cơ quan quản lý, cán bộ thuế phải thực hiện bồi thường. Không thể có chuyện cán bộ thuế làm tổn thương doanh nghiệp mà không chịu trách nhiệm gì cả.

Khi làm rõ trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ thuế, thì sẽ góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. 

Ông từng có ý kiến rằng, ngay cả khi sửa luật theo những điểm đề xuất trên, thì vẫn chưa căn cơ, chưa thể hiện được tinh thần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Vậy theo ông, hướng sửa căn cơ hơn là gì?

Đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nên không còn thời gian sửa luật thuế một cách căn cơ, toàn diện. Do đó, tôi mong đợi Quốc hội khóa tới sẽ quan tâm sửa đổi luật này theo quan điểm cải cách mạnh mẽ là: quản lý thu thuế phải thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho những người chấp hành tốt. 80% doanh nghiệp chấp hành tốt quy định về thuế, thì phải xây dựng luật thông thoáng, cải cách để hỗ trợ, tiếp sức cho số đông doanh nghiệp này.

Một luật thuế tốt là phải tạo được động lực, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tự giác đóng thuế. Cần tránh tư duy thiết kế luật theo kiểu tạo ra các biện pháp nhằm xử lý 20% số người không chấp hành tốt quy định về thuế, vì như thế sẽ làm khổ 80% chấp hành tốt.

Với tội trốn thuế, các nước xử lý rất nặng, họ áp dụng các chế tài xử phạt đến mức độ doanh nghiệp có thể sạt nghiệp.

Nói như vậy để thấy, muốn tạo cải cách cho các quy định về thuế, thì cơ quan quản lý cần phân loại đối tượng nộp thuế thành các nhóm có đặc điểm chấp hành pháp luật khác nhau, để có biện pháp ứng xử hợp lý theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chấp hành nghiêm, nhưng đồng thời xử lý mạnh tay các trường hợp cố tình vi phạm.